Vượt khó để thay đổi cuộc sống
Trước đây, 6 thành viên gia đình anh Cà Văn Khám sống trong căn nhà lụp sụp, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài cái sổ hộ nghèo. Mặc dù đất ruộng nhiều, nhưng chỉ biết trồng ngô và các loại rau màu ngắn ngày giá trị không cao. Một cơ hội đã đến với anh cũng như bao bà con bản Nậm Cầy khi Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo trên địa bàn huyện Nậm Nhùn được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi.
Nắm bắt cơ hội, gia đình anh Cà Văn Khám và nhiều hộ trong bản đã mạnh dạn chuyển đổi và có những thành quả trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Trước tiên, anh tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức. Gia đình anh mạnh dạn chuyển toàn bộ hơn 2ha đất bỏ hoang sang trồng quế. Ðể có vốn đầu tư sản xuất, anh tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách và xã hội, vốn hỗ trợ của Hội Nông dân…
Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, anh Cà Văn Khám đã thành công với mô hình chăn nuôi, trồng trọt có quy mô hơn 30 con trâu, bò và 2ha quế, hơn 0.5ha gỗ lát. Với nguồn thu ổn định trên 150 triệu đồng/năm, anh Cà Văn Khám trở thành điển hình trong phong trào đảng viên phát triển kinh tế của bản, xã. Nhờ những chính sách đặc thù từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, những hộ dân của Nậm Cầy như tìm thấy “chìa khóa” thoát nghè, họ cần cù lao động, biến vùng đất bỏ hoang thành vườn quế, gỗ lát, chanh leo và nhiều cây ăn quả xanh tốt. Đời sống của bà con nơi đây bắt đầu đổi thay, họ thực sự là nòng cốt trong công cuộc xây dựng bản làng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư…
Chính sách kịp thời, đời sống người dân đảm bảo
Bản Nậm Cầy có 246 hộ, 1.046 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, do diện tích đất ở hạn hẹp mà dân số ngày một tăng, hàng loạt ngôi nhà mới dựng lên, khiến không gian bản thêm chật chội. Trước thực trạng trên, tháng 5 năm 2022, huyện Nậm Nhùn triển khai công tác giãn dân. Theo đó, 101/246 hộ về nơi tái định cư, cách điểm bản cũ khoảng 800m. Công tác di chuyển các hộ dân dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2022. Sau hơn một năm về nơi ở mới, cuộc sống của các hộ dân trong dự án ở bản Nậm Cầy đã dần ổn định. Khuôn viên nhà cửa rộng rãi, thoáng đãng, hệ thống giao thông điện nước thuận lợi. Các hộ đến khu tái định cư giãn dân được Nhà nước hỗ trợ: trên 300m2 đất làm nhà, 20 triệu đồng/hộ để thực hiện công tác di chuyển, cây con giống để người dân ổn định sản xuất.
Bà Lò Thị Ánh là một trong 101 hộ thuộc bản Nậm Cầy đã hoàn thành xong việc di chuyển đến nơi ở mới. Giờ đây, cuộc sống của gia đình bà đã có những thay đổi rõ rệt, một căn nhà sàn khang trang thoáng mát, sân vườn rộng rãi. Bà Ánh phấn khởi: “Trước gia đình tôi ở bản cũ nhà cửa rất chật hẹp, gần như không có diện tích để xây dựng các công trình phụ. Về điểm tái định cư, nhà cửa khang trang, đất đai canh tác không eo hẹp như xưa, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện…”.
Về Nậm Cầy hôm nay không chỉ thấy hình ảnh một vùng quê ấm no, giầu đẹp mà ở đây đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Niềm vui ấy, hiện hữu rõ trên từng gương mặt, nụ cười của bà con nơi đây khi chia sẻ câu chuyện làm ăn kinh tế, ai ai cũng phấn khởi vì được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã dành nhiều dự án, chính sách dành cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Chia tay Nậm Cầy, chúng tôi không quên những chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Nậm Hàng, Nguyễn Văn Giáp: Nậm Cầy giờ không còn thuộc diện khó khăn của xã như trước. Nhận thức của bà con đã thay đổi, bản có nhiều hộ là tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo làm giàu. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế của bản vượt kế hoạch được giao, thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3 đến 5%. Nậm Cầy là điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.