Đầu tư phát triển vùng miền núi
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, từ điện – đường – trường – trạm cho đến việc an cư và hỗ trợ sản xuất cho người dân, đã giúp cho diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Khánh Hoà có nhiều đổi thay tích cực.
Trong 5 năm qua, tỉnh Khánh Hoà đã đầu tư 5.600 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung đầu tư, hỗ trợ địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, đường giao thông; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân…, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư hoàn thiện nhằm phục vụ dân sinh và sản xuất, lưu thông hàng hóa tại địa phương.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào DTTS từ cuộc sống khốn khó đã vươn lên thoát nghèo và trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Điển hình như chị Mấu Thị Hiểm ở xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn.
Chị Hiểm cho biết: Nhà tôi hiện có có 1ha sầu riêng đang cho thu hoạch, vụ vừa rồi thu nhập được gần 400 triệu đồng. Ngoài trồng sầu riêng, vợ chồng tôi còn đào ao thả cá chép, cá mè; nuôi heo đen…, mỗi năm thu thêm hơn 100 triệu đồng. Nhờ có thu nhập ổn định nên tôi đã xây được nhà khang trang và lo cho các con ăn học.
Còn anh Hà Thông, dân tộc T’Rin (một nhánh rẽ của người K'Ho) ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, cũng là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh Hà Thông không quản ngại vất vả, luôn tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình.
Hiện anh có trang trại chăn nuôi, với quy mô 20 con bò mẹ, vườn bưởi 6 năm tuổi đang cho trái đều đặn. Không những thế, với bản tính cần cù trong lao động, vợ chồng anh Hà Thông còn làm thêm nghề thu mua, buôn bán keo. Tổng thu nhập của gia đình anh Thông gần 400 triệu đồng/năm.
Giúp người dân an cư
Khánh Hòa là địa phương tiên phong trong việc thực hiện chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là hộ đồng bào DTTS trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, hơn 1.550 căn nhà sửa chữa đã được thực hiện xong; những căn nhà cuối cùng trong tổng số hơn 1.780 căn nhà xây mới, đang được khẩn trương thực hiện để đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, sớm hơn 1 năm so với cả nước.
Về xã đặc biệt khó khăn Thành Sơn, huyện Khánh Sơn, ghé thăm hộ anh Cao Cường là một trong những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Anh Cường chia sẻ: Trước đây, gia đình mình sinh sống trong căn nhà tạm bợ được quây bằng những tấm tôn cũ; thu nhập từ rẫy chuối không được bao nhiêu, cái ăn, cái mặc còn phải tính từng ngày nên việc xây nhà mới là điều anh không dám nghĩ tới.
“Cuối năm 2023, gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, cộng với số tiền đối ứng 40 triệu đồng để xóa nhà dột nát. Ngôi nhà mới là điểm tựa để gia đình tôi nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế”, anh Cường phấn khởi chia sẻ thêm.
Còn tại thôn Suối Cá, một thôn đăc biệt khó khăn của xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, gia đình anh Cao Xuân Phú cũng rất vui vì được hỗ trợ tiền để xây nhà. Trong căn nhà mới còn thơm mùi sơn, anh Phú cho hay: Vợ chồng tôi mới chuyển vào ở trong ngôi nhà mới được 2 tháng, cũng sắm thêm được vài vật dụng trong nhà như: Bàn ghế, tivi, tủ lạnh…Nhớ lại những ngày cả gia đình phải sống trong căn nhà mái tôn dột, vách ván mục nát, anh Phú vẫn còn dơm dớm nước mắt.
“Hôm cán bộ thôn đi rà soát hộ nghèo, hỏi mình đã tự tin thoát nghèo chưa? Mình nói thật: Chưa có nhà mới thì chưa tự tin đâu! Nay an cư rồi, công việc của 2 vợ chồng ở Khu Công nghiệp Suối Dầu cũng ổn định nên mình không lo lắng nữa! Phải cố gắng làm ăn để có cuộc sống khấm khá hơn, có ai muốn nghèo mãi đâu”, anh Phú nói.
Ông Võ Nam Thắng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hoà cho hay: Trong nhiều năm qua, nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; cùng với sự nỗ lực không ngừng của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, kết hợp với sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các DTTS... nên tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư từng bước bài bản, khang trang hơn.
Đến nay, thu nhập bình quân của người DTTS đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường, lớp ở vùng đồng bào DTTS được xây dựng kiên cố và gần 70% trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95,4% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng...