Tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, khoảng 190ha cây nho của người dân đang gặp phải khó khăn về nguồn nước tưới. Người dân phải đầu tư đào ao, khoan giếng tích nước tưới cầm chừng cho diện tích hoa màu, cây ăn trái. Tuy nhiên, một số giếng khoan nguồn nước bị nhiễm mặn nên khi tưới cây trồng không phát triển, dần khô héo
"Trước bối cảnh khô hạn kéo dài và tác động xấu đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp ứng phó, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc và nước phục vụ cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao".
Ông Trịnh Minh HoàngPhó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận
Tương tự, tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, hơn 200ha cây ăn quả của nhiều hộ dân các thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú đang ngày một khô héo do thiếu nước tưới. Còn tại xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, hơn 300ha cây mía đang phải đối mặt với chết khô vì thiếu nước để tưới, trong khi nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt.
Điều đáng nói, nhiều loại cây trồng, cây ăn trái đang trong giai đoạn sinh trưởng, ra hoa, kết trái. Không có nước tưới đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm...
“Để gỡ khó cho người dân, huyện Ninh Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận quan tâm, xem xét bố trí kinh phí đầu tư dự án đường ống nước tưới phục vụ sản xuất cây ăn quả, khắc phục hạn hán trên địa bàn xã Lâm Sơn theo phương án sử dụng máy bơm nước đặt tại cầu Nhật thuộc hạ lưu Nhà máy thủy điện Sông Pha để bơm nước qua đường ống có đường kính 200mm, dài khoảng 2,5km để dẫn nước về suối Gia Chiêu cho người dân sử dụng tưới cho cây ăn quả”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn Nguyễn Đức Hòa cho biết
Theo ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trước bối cảnh khô hạn kéo dài và tác động xấu đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp ứng phó, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc và nước phục vụ cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Cụ thể, đối với khu vực trồng nho, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và các đơn vị liên quan tìm giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất, đảm bảo nguồn nước tưới, bởi cây nho là cây trồng đặc thù của tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường ống tiếp nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (huyện Bác Ái) về hồ Ông Kinh để chủ động hơn trong công tác sử dụng, điều tiết nước tại khu vực được xem là nơi “rốn hạn” khốc liệt của tỉnh.
Hiện nay, các ngành có liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận liên tục cập nhật thông tin, diễn biến về tình hình khô hạn để có giải pháp điều chỉnh, ứng phó kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để Nhân dân cùng tham gia tích cực trong việc ứng phó với hạn hán như chủ động và linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…