Bố, mẹ dạy kèm con học chữ
Những ngày này, bà Lương Thị Thuận ở bản Na Hỷ (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) dù rất bận công việc trên nương rẫy nhưng vẫn phải thường xuyên túc trực ở nhà để làm gia sư cho cháu nội. Vợ chồng con trai bà đi làm ăn xa, do công tác giãn cách xã hội nên chưa thể về nhà, đành gửi lại ông bà 2 cháu đang học tiểu học và mẫu giáo.
Với khối lượng bài tập được giáo viên giao về tận nhà trong những tuần nghỉ học, nếu không có người đốc thúc, cháu Lương Văn Ướt sẽ không hoàn thành kịp tiến độ, thế là bà Thuận hằng ngày phải bày cho cháu học. Ngoài kèm cặp cháu Ướt, bà Thuận còn phải hướng dẫn thêm đứa cháu đang học mẫu giáo lớp 5 tuổi để cháu khỏi quên mặt chữ.
“Ngày trước, bà học đến lớp 7 thôi, bây giờ nhiều chữ cũng không nhớ nổi nó như thế nào nữa. Cô giáo giao bài có hướng dẫn cho cháu rồi nhưng nhiều bài không làm được. Bà thì cũng chỉ bày được những phép tính đơn giản, chứ còn lại là chịu thôi”, bà Thuận chia sẻ.
Giống như bà Thuận, anh Và Bá Tủa ở bản Huồi Cọ (xã Nhôn Mai, Tương Dương) cũng trở thành gia sư bất đắc dĩ cho con trong thời gian nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số bài tập khó giáo viên giao về cho con thì “thầy” Và Bá Tủa cũng bó tay - không biết cách giải. “Nhiều lúc con hỏi bài, mình đành lựa lời nói với con chờ một chút để tranh thủ chạy đi hỏi những người có kiến thức ở trong bản rồi về dạy lại cho con. Cũng khá vất vả đấy!”, Và Bá Tủa bộc bạch.
Không chỉ học sinh mà các học viên đang tham gia các lớp xóa mù chữ tại vùng cao Nghệ An cũng có nguy cơ tái mù chữ vì thời gian nghỉ phòng dịch khá dài. Để không bị mai một kiến thức, họ đành phải nhờ đến con cái làm gia sư cho mình.
Trong căn nhà nhỏ của người Mông ở xã biên giới bản Huồi Khe (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn), những lúc rảnh rỗi Xồng Bá Long vẫn miệt mài hướng dẫn mẹ mình là chị Lầu Y Nhủa tập đọc, tập viết.
Long là một học sinh đang học lớp 8, hằng ngày ngoài việc phải làm xong những bài tập giáo viên hướng dẫn, em còn phải dành thời gian cho mẹ. Lớp học xóa mù mà chị Y Nhủa, mẹ Long đang theo học được mở ra từ trước Tết Nguyên đán, song mới học được 3 tuần thì nghỉ để phòng, chống dịch. Bởi vậy, mới vừa bập bõm biết đọc và nhận biết được mặt chữ thì chị và những học viên của lớp học này lại có nguy cơ bị tái mù.
Chị Y Nhủa cho biết, lớp chị có 20 học viên chủ yếu là người dân tộc Mông. Người lớn tuổi nhất gần 50, nhỏ tuổi nhất hơn 30. Ngày trước họ đều không có điều kiện để đến trường học chữ. Khi được đi học chị cũng rất vui nhưng vừa bắt đầu biết đánh vần thì lại nghỉ mất mấy tháng. Thành ra trong một tháng sau Tết chị cũng dần quên mất chữ.
“Nhớ lớp học nhưng đành chịu, về nhà dù rất ngại nhưng đành phải nhờ con thôi. Nó được đi học, nó giỏi hơn mình thì nó bày cho mình. Mà thú thực cũng may nhờ có con bày cho không thì đến bây giờ mẹ chẳng nhớ nổi cái chữ nó như thế nào nữa”, bà Lầu Y Nhủa bộc bạch.
Tuy nhiên, không nhiều trường hợp được may mắn như bà Lầu Y Nhủa, một số người phải chấp nhận nguy cơ bị tái mù. Chị Hạ Y Chư từ ngày nghỉ học đến nay dù rất muốn đến trường nhưng đành phải chấp nhận. Nhà có mấy đứa con nhưng nay đã nghỉ học và lập gia đình riêng. Chồng chị cũng không biết chữ để có thể bày dạy cho chị. Bởi thế, đến bây giờ chị hầu như đã không còn nhớ nổi bảng chữ cái viết như thế nào.
“Sách vở không có, cũng không ai hướng dẫn cho nên đành chịu. Hằng ngày còn phải lên nương rẫy kiếm cái ăn nên đành chấp nhận đợi bữa sau hết dịch đi học lại rồi nhờ thầy cô dạy lại cho vậy”, chị Y Chư chia sẻ.
Thực tế cho thấy, học sinh từ các cấp học đến học viên xóa mù ở vùng sâu, vùng xa đã chịu rất nhiều thiệt thòi trong kỳ nghỉ chống dịch Covid-19. Nguy cơ bị mai một kiến thức và tái mù là rất lớn dù các cơ sở giáo dục đã rất nỗ lực.