Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; trong đó có 8/9 huyện đạt chuẩn mức độ 2 và 1 huyện đạt chuẩn mức độ 1. Trong số 139 xã, có 82 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chiếm tỷ lệ 59%; 55 xã đạt chuẩn mức độ 2, chiếm 39,6% và 2 xã đạt chuẩn mức độ 1, chiếm 1,4%.
Nhìn chung, chất lượng phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, có 10 xã tăng từ mức độ 2 lên mức độ 3 và 1 xã từ mức độ 1 lên mức độ 2. UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định công nhận 6 địa phương đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận: Thị xã Ninh Hòa, các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS tại thời điểm tháng 12/2022, với các mức độ đạt chuẩn cụ thể như sau: Đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (riêng Khánh Vĩnh đạt mức độ 1).
Từ kết quả đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND các huyện, thị xã nói trên có trách nhiệm duy trì, giữ vững các kết quả đã đạt được và nâng cao tỷ lệ, mức độ các tiêu chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trong năm 2023. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên trong và ngoài ngành Giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ để thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình xóa mù chữ. Chú trọng bồi dưỡng tiếng DTTS, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ.