Cụ thể, toàn tỉnh có 7/17 địa phương gồm các huyện Phú Thiện, Chư Păh, Đak Pơ, Chư Prông, Đức Cơ, Krông Pa và Tp. Pleiku, đã mở được 46 lớp xóa mù chữ cho 1.181 học viên. Các địa phương còn lại đã tổ chức vận động học viên, xây dựng kế hoạch mở lớp óa mù chữ và dự kiến triển khai trong tháng 8/2023. Tổng nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương được phân bổ trong năm 2022 và 2023 để thực hiện công tác mở lớp xóa mù chữ là hơn 17,55 tỷ đồng.
Hiện, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và mở lớp xóa mù chữ. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đẩy mạnh; gắn việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xoá mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua tại địa phương.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, rà soát số người mù chữ, người tái mù chữ hàng năm cũng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, làm cơ sở cho việc vận động, tuyên truyền tham gia các lớp học xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ công tác xóa mù chữ cơ bản được bảo đảm.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức tập huấn cho 119 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các đơn vị về công tác dạy học chương trình xóa mù chữ, làm cơ sở để triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh. Qua đợt tập huấn, đội ngũ giáo viên cốt cán đã biên soạn bài giảng, giáo án dạy học chương trình xóa mù chữ để làm tư liệu tham khảo cho giáo viên dạy học xóa mù chữ trong tỉnh.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cũng tổ chức hội nghị đánh giá công tác dạy học xóa mù chữ trên địa bàn nhằm rà soát việc tổ chức dạy học xóa mù chữ của các địa phương. Qua đó, phân tích thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện công tác tổ chức mở lớp xóa mù chữ bảo đảm tiến độ, chất lượng.