Làng nghề làm miến dong Bình Lư
Nếu có dịp đến thăm xã Bình Lư, huyện Tam Đường vào dịp đầu tháng 11 sẽ được tận mắt chứng kiến, các hộ dân tất bật với việc thu hoạch củ dong riềng và sản xuất miến. Trên đường làng, ngõ xóm, hay các khoảng đất trống đều được bà con thiết kế giàn đỡ để đặt phên, đón nắng.
Người dân huy động người nhà và gần như chỉ tranh thủ, thay nhau nghỉ, ăn trưa rồi lại tiếp tục phơi miến, đồng thời cũng cần sát sao để có những sản phẩm miến đạt chất lượng. Từ hoạt động, không khí tất bật cho mỗi vụ làm miến dong của bà con nơi đây, phần nào khẳng định, thương hiệu của miến dong Bình Lư ngày càng được người tiêu dùng ở nhiều địa phương khác đón nhận.
Để có thành phẩm miến sợi khô, phải trải qua rất nhiều công đoạn; từ khâu trồng cây đến thu hoạch củ, rồi xay bột; sau đó, lọc bột loại bỏ tạp chất, phơi bột ướt thành bột khô; làm chín bột và cho vào khuôn đổ thành sợi mới cắt lên phên nứa và mang đi phơi khô. Do vậy, ngay từ khi vào vụ thu hoạch củ, mỗi ngày các hộ làm miến đều phải tranh thủ “chạy đua” với nắng, để sản xuất những mẻ miến dong chất lượng.
“Cả xã này chỉ có 5-6 cơ sở xay bột dong, nên vào những dịp lễ, tết gia đình tôi phải phải đặt lịch và xếp hàng từ hôm trước, tối nay mới đợi đến lượt xay bột. Ở đây bà con thường đổi công cho nhau, vì nhiều công đoạn, một nhà không đủ người làm”, chị Lò Thị Máy, người Dao ở xã Bình Lư chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Lư chia sẻ: Tranh thủ những ngày nhiều nắng, chúng tôi phải huy động tất cả người thân dậy từ 4 giờ sáng, nhào bột và cho máy chạy sao cho kịp mẻ sáng thu vào lúc 11h trưa; sau đó gối ngay mẻ chiều để sao cho mỗi ngày được 2-3 mẻ phơi miến. Sợi miến ngon cần phải đạt các tiêu chuẩn như: Màu nâu trong, sợi nhỏ, dai, dẻo, vị đậm đà.
"Yêu cầu đầu tiên bột dong phải nguyên chất, đánh bột vừa chín tới, nếu khô hoặc mềm quá đều ảnh hưởng đến chất lượng miến thành phẩm, phơi nắng chỉ đạt trên 90% thì thu vào phơi trong nhà cho bay hết mùi hăng của dong rồi mới cắt và đóng túi. Trung bình mỗi ngày gia đình làm khoảng trên dưới 1 tạ bột khô, sẽ cho khoảng hơn 30kg miến thành phẩm đóng túi.”, ông Nguyễn Ngọc Ánh cho hay.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Giang, bản Km2, xã Bình Lư, hồ hởi nói: “Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, cứ cận tết là "cháy hàng". Năm nay gia đình tôi đã chủ động chuẩn bị sản xuất sớm và gấp rút hơn với sản lượng gấp đôi năm ngoái”.
Giúp đồng bào có thu nhập khá
Theo chị Giang, nhiều năm nay, nhận thấy vùng đất này khá phù hợp với củ dong riềng nên bà con cũng bảo nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xen canh, gối vụ. Bây giờ cũng quen với nghề làm miến, ai cũng hồ hởi khi thấy sản phẩm đã có thương hiệu, so với trước thì giá bán tốt hơn nên nhiều hộ dân đã xây được nhà, con cái được ăn học, bà con đón tết rất vui vẻ và phấn khởi .
Thông tin từ UBND xã Bình Lư, được biết: Năm 2018, xã Bình Lư được tỉnh Lai Châu cấp bằng công nhận làng nghềsản xuất miến dong, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Đến năm 2022, xã Bình Lư có 35ha diện tích đất trồng dong riềng, gần 100 hộ gia đình và 1 hợp tác xã chuyên sản xuất miến. Mỗi năm, toàn xã bán ra thị trường gần 200 tấn miến, thu về gần 10 tỉ đồng.
Xã Bình Lư đã thành lập hợp tác xã dịch vụ thương mại sản xuất miến dong và đưa hệ thống máy móc, công nghệ mới vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm miến dong Bình Lư ngày được nâng cao, năng suất tăng gấp đôi so với làm thủ công, mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp về hình thức.
Để đảm bảo người dân yên tâm gắn bó với cây dong riềng, UBND xã đã yêu cầu các hộ gia đình và cơ sở, trong quá trình sản xuất đều phải lý cam kết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
"Bên cạnh đó, xã cũng thành lập đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát các cở sở sản xuất, chế biến dong riềng nên không để xảy ra tình trạng vi phạm", ông Hoàng Văn Phưởng, Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết.
Trong những năm gần đây, các xã lân cận cũng mở rộng diện tích trồng dong riềng để bán củ cho các cơ sở chế biến, sản xuất miến dong trên địa bàn nên sản lượng miến bán ra thị trường cũng tăng lên.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền để bà con mở rộng diện tích trồng rong giềng. Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng và các khâu sản xuất. Đến nay, miến dong Lai Châu đã khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng lựa chọn. Đặc sản miến dong Bình Lư không chỉ có mặt ở thị trường tỉnh Lai Châu, mà đến nay còn được các tư thương chuyển đi khắp trên cả nước tiêu thụ; trở thành sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của Lai Châu.