Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng; đông đảo các cây bút trẻ là đại biểu và thế hệ các văn nghệ sĩ lão thành đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên và quà tặng tới hai đại biểu đặc biệt; Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi quà tặng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 có 138 đại biểu được lựa chọn từ hàng trăm đề cử. Đây là hội nghị có số lượng đại biểu nhiều nhất so với hai hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Các đại biểu thuộc các chuyên ngành: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật… đến từ nhiều địa phương, ngành nghề, công việc khác nhau, cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi hai thư và quà tặng hai đại biểu: Tác giả Vũ Nguyên - người sinh ra đã thiệt thòi, khiếm khuyết về cơ thể, nhưng tràn đầy khát vọng cao đẹp với văn chương; Tác giả Trần Phú Minh Anh - đại biểu trẻ tuổi nhất tại Hội nghị. Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui, xúc động và hy vọng các tác giả tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê sáng tác và khát vọng trong cuộc sống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, chủ đề của hội nghị là một câu hỏi vừa dễ, lại vừa khó mà các nhà văn trẻ khi cầm bút cần phải trả lời. Hội Nhà văn Việt Nam đã rất nỗ lực để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả cho các nhà văn, đặc biệt là thế hệ nhà văn trẻ. Xưa nay, những nhà văn có tác phẩm để đời không chỉ tài năng mà còn có tâm hồn đẹp, đó là sự cống hiến ý nghĩa cho đời sống văn hóa, lịch sử của đất nước và nhân dân.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc, những nhà văn trẻ Việt Nam đang có nhiều cơ hội, điều kiện để sáng tạo, công bố và quảng bá tác phẩm. Con đường sáng tạo nằm ngay dưới chân họ, tương lai của nền văn học phụ thuộc vào sự dấn thân của họ. Dân tộc ta đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử để dựng nên những trang sử vẻ vang, đáng tự hào, bao thế hệ đã làm nên sự kỳ vĩ của văn hóa Việt Nam từ khi còn rất trẻ. Điều lớn lao nhất chúng ta nhận ra ở họ đó là sự ngập tràn khát vọng, ý chí sống mãnh liệt, tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân, không gì có thể khuất phục.
Chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ, rộng mở, nhưng phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có con đường làm người và bảo vệ những giá trị mang tên người để làm nên giá trị vĩnh hằng. Chủ đề của hội nghị “Vì sao chúng ta viết?” đồng thời là câu hỏi phải luôn được vang lên ở bất cứ điều kiện nào khi nhà văn cầm bút. Họ cần viết bằng sự rung động, sáng tạo để vẻ đẹp ấy dù bất cứ thăng trầm nào vẫn ngập tràn giá trị trong đời sống. Mỗi trang viết phải là những nhịp cầu lớn lao, mạnh mẽ và bền chắc để mang yêu thương đến đời sống con người.
Trong báo cáo tại Hội nghị mang tên “Những người mở cánh cửa của cái đẹp”, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra các đề xuất nhằm khuyến khích người viết trẻ: Để có một thế hệ nhà văn tương lai tài năng như chúng ta mong muốn, quả thật rất cần “trồng” ngay từ bây giờ.
Ngoài nỗ lực tự đào tạo, vốn được coi là công việc bắt buộc của người cầm bút, thì chỉ có sự hỗ trợ và đầu tư từ nguồn lực Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam mới có thể đưa những cây bút trẻ tiềm năng đến những trường Đại học tốt nhất, những trung tâm văn học thế giới, hoặc ở mức thấp hơn, tới những cộng đồng văn chương ở đẳng cấp cao để những cây bút đó thu lượm, tích lũy, học hỏi, làm giàu tri thức, hiểu biết và nâng tầm hướng tới những cuộc chinh phục đỉnh cao văn chương trong tương lai.
Hoặc theo cách ít tốn kém hơn mà vẫn hiệu quả, đó là hằng năm chúng ta có nguồn kinh phí để mời những tên tuổi lớn của văn học thế giới sang Việt Nam thỉnh giảng, giao lưu, trao đổi với các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn trẻ về văn học thế giới. Việc tiếp theo là mong Nhà nước có chính sách khuyến khích mạnh mẽ người viết trẻ thông qua các cuộc thi, bằng các giải thưởng văn học mang giá trị cao, để người viết trẻ nào còn phân vân ở lằn ranh giữa viết và không viết, giữa “ở lại với văn chương” hay “rời đi làm công việc khác”. Cổ vũ, động viên những người viết trẻ, chính là cổ vũ cho tương lai của văn học.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ và đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tác giả Nguyễn Mạc Yên Hải (Cần Thơ) đặt ra về sự thay đổi trong giáo dục về nền văn học. Tác giả Lê Ngọc (Ninh Bình) băn khoăn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước có chương trình đào tạo thế nào để các cây bút tự phát có cơ hội phát triển.
Về các câu hỏi này, Phó Thủ tướng có nhiều chia sẻ cởi mở, khẳng định sự thay đổi đã được chú trọng hơn trong nền giáo dục. Cần tăng cường nhiều hoạt động kết nối, chính người viết trẻ cần trở thành “sứ giả” mang những giá trị đó đến với các trường học để tạo ra sự đổi mới, lôi cuốn.
Về kế hoạch đào tạo nhà văn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, luôn có các chương trình đào tạo về văn học trong các nhà trường và tới đây sẽ tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng nhà văn. Quan trọng hàng đầu vẫn là tài năng của từng cá nhân được khơi dậy và phát huy.
Tác giả Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận) hỏi về hướng mở nào mang tính đặc thù để phát triển văn học và Lê Vũ Trường Giang (Huế) hỏi về chiến lược, kế hoạch phát triển nền tảng tư liệu số cho văn học một cách bài bản và dài hạn như một số quốc gia trên thế giới. Phó Thủ tướng thông tin, Đảng và Nhà nước đã và đang tiếp tục có chiến lược, đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật với từng nội dung cụ thể. Trong giai đoạn tới, Đảng và Nhà nước sẽ nỗ lực và dành nguồn lực nhiều hơn để thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt là quảng bá tinh hoa nền văn học nước nhà ra thế giới.
Một số tham luận của các đại biểu trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã được trình bày tại Lễ khai mạc, tập trung bày tỏ ước mơ, trăn trở, đề xuất của bản thân và thế hệ mình chung quanh câu hỏi là chủ đề của hội nghị: “Vì sao chúng ta viết?”. Trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm, đi thực tế, đêm Gala thơ-nhạc… sẽ được tổ chức trong ngày18 và 19/6.