Có thể nói, chưa bao giờ Lào Cai chịu ảnh hưởng của thiên tai trên phạm vi toàn tỉnh và thiệt hại nặng nề về người, tài sản như cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vừa qua. Theo số liệu báo cáo, đến chiều ngày 21/9/2024, mưa lũ ở Lào Cai đã làm 201 người chết, mất tích, bị thương; hơn 10.400 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi, sụt lún, hư hỏng công trình phụ.
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ước trên 800 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực, rau màu thiệt hại khoảng 21.500 tấn. Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng, thiệt hại 188 công trình cấp nước sạch nông thôn, 382 công trình thủy lợi… Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh gần 6.000 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung bố trí sắp xếp dân cư, nhà ở cho người dân vùng lũ. Đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành việc bố trí sắp xếp di chuyển xen ghép 1.503 hộ; ổn định tại chỗ cho 1.712 hộ. Sắp xếp dân cư tập trung 39 dự án, quy mô 2.339 hô.
Trong đó, 04 dự án ưu tiên cấp bách khẩn cấp, cần xây dựng ngay để hoàn thành trước 31/12/2024 đó là: Dự án tại thôn Tùng Sáng, Lũng Pô của xã A Mú Sung, huyện Bát Xát; dự án tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà; dự án tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà; dự án tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Đối với hỗ trợ nhà ở cho người dân sau ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão; các Quỹ, Tập đoàn đã hỗ trợ xây dựng 632 nhà; các địa phương và Nhân dân xin tự khắc phục, triển khai thực hiện 5.524 nhà ở; còn 2.282 nhà ở cần hỗ trợ thực hiện. Hiện nay, các huyện đang tiếp tục thực hiện rà soát, thống kê số nhà ở bị thiệt hại để có phương án trình UBND tỉnh…
Tại cuộc họp bàn phương án khắc phục thiệt hại sau bão số 3, ổn định đời sống người dân và thúc đẩy các giải pháp khôi phục phát triển kinh tế-xã hội vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Để ổn định cuộc sống Nhân dân thì nhà ở là ưu tiên hàng đầu. Đối với những nhà bị sập hoàn toàn, bị lũ cuốn trôi cần ưu tiên hỗ trợ trước.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu, các địa phương cần rà soát kĩ các vùng nguy cơ sạt lở để di chuyển người dân đến nơi an toàn; khẩn trương triển khai thực hiện phương án sắp xếp dân cư. Các huyện cần sớm có đánh giá chính xác thiệt hại về nhà ở để tiến hành công tác bồi thường, có các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại, nhất là đối với những hộ có nhà bị sập hoàn toàn.
Song song là lưu ý việc thực hiện phân bổ nguồn kinh phí từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh phù hợp cho các địa phương, trên quan điểm địa phương thiệt hại nhiều phân bổ nhiều, địa phương thiệt hại ít phân bổ ít hơn; phân bổ nguồn hàng cứu trợ đảm bảo hài hoà, phù hợp với tình hình thực tế; Đồng thời, cần tiến hành các biện pháp khắc phục giao thông đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa, vật liệu, lương thực thực phẩm, đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân, sản xuất kinh doanh…
Cùng với đó, việc bảo đảm chi trả, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người bị thương, người thiệt mạng do mưa lũ. Ngành Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thống kê, hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định.
Đối với giáo dục, cố gắng xã hội hoá nguồn sách giáo khoa để bảo đảm công tác dạy học; giao danh mục đầu tư các công trình trường học thực hiện theo phân cấp, quy định; sớm khắc phục thiệt hại để đưa các trường học quay trở lại dạy học bình thường trong thời gian sớm nhất.
Đến thời điểm này, để chung tay khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đã có trên 6.000 đơn vị ủng hộ tiền mặt, trên 500 đoàn đến các địa phương hỗ trợ từ thiện với giá trị hơn 421,5 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ bằng hiện vật 127,4 tỷ đồng, hỗ trợ bằng tiền mặt 294,1 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng giúp Lào Cai sớm “vực dậy” sau mưa lũ trước mắt cũng như lâu dài.