Bụi và gió đầu mùa khô Tây Nguyên xoáy lên những đụn bụi nhỏ phủ mỏng lên mấy chú voi nhỏ bằng gốm vừa nung dưới lửa. Đôi mắt của amí H’Phiết Uông ở cái tuổi ngoài 75 cứ nheo lại, ở đó như chứa đựng cả thăm thẳm trầm tích mấy trăm năm làng gốm dưới chân núi Chư Yang Sin này. “Lâu lắm rồi, từ ngày xưa cả 11 buôn ở Yang Tao này đều làm gốm. Gốm của người Mnông xứ này làm xong đổi lấy lúa khoai, đổi lấy trâu, bò, đổi cả nông cụ nữa. Giờ khắp vùng chỉ còn Yơng Bắc này làm gốm, mà cũng chỉ còn 5 - 6 người thôi!”, H’Phiết Uông trầm tư kể lại.
Yang Tao là cái nôi của gốm cổ duy nhất vùng cao nguyên. Những sản phẩm gốm như chén, bát, ấm, ché, chum, nồi, chảo hay các con vật như trâu, bò, hổ, voi để trang trí được người dân mang đến các buôn khác để trao đổi lương thực, vật nuôi. Người Ê Đê, Gia Rai, Mnông khắp các vùng Yang Tao, Yang Reh đến Đắk Nuê, Đắk Phơi, Krông Nô…, đều dùng gốm này. Buôn Yơng Bắk của xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nằm dưới chân ngọn Chư Yang Sin sừng sững bên con sông Krông Ana kiêu hãnh là nơi có loại đất sét vàng duy nhất để làm gốm. Đất này như quà tặng của Yàng chỉ dành riêng cho người Mnông mà thôi.
Nắng chênh chếch dưới tán Kơnia mát dịu, amí H’Huyên Bhôk, một nghệ nhân trẻ cần mẫn giã đất làm gốm. Đất sét được lấy từ bờ sông, mang về phải ủ và nuôi đất bằng cách che đậy và tưới nước hằng ngày mới giữ được vẹn nguyên chất đất để làm gốm. Nghệ nhân giã đất bằng chày thay vì nhào đất bằng tay hay dùng chân như nhiều nơi khác. Sự độc đáo còn nằm ở việc “trích đất”, lấy ra lượng đất sét đủ dùng cho một sản phẩm, việc này được xem như một nghi thức tâm linh. Sản phẩm có thể to hoặc nhỏ tùy vào khối đất đã “trích” ra mà không thêm hoặc bớt đi nữa. Gốm của người Mnông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh để tạo dáng như cách người Chăm làm gốm, rồi dùng đá đánh bóng, dùng một que tre khắc họa tiết hoa văn mới đem phơi khô rồi nung trong lửa khoảng 30 phút. Cách tạo màu cho sản phẩm cũng chỉ có vỏ trấu và mùn cưa.
Đã qua bao đời người, những bàn chân của các amí lấy đất về buôn, rồi mở ra vòng tròn khép kín vô tận quanh chiếc bàn xoay thủ công. Những đôi tay nhuộm nâu vàng tỉ mẩn với nước và đất để tạo lên các sản phẩm gốm đa dạng. Gốm của người Mnông không tráng men, đó là do chất liệu và kỹ thuật làm của nghệ nhân tạo nên. Có sản phẩm tuyền một màu đen bóng, có khi dọc ngang những vệt khói đen mờ trên đất chịu lửa vàng cháy. Vì nét độc đáo này mà sản phẩm gốm Yơng Bắk rất khác biệt.
Khắc khoải đợi hồi sinh
Huy hoàng của một thuở, nhưng nay làng gốm Yang Tao chênh chao bên bờ thất truyền khi những sản phẩm hiện đại như đồ nhựa, đồ sứ đã chiếm lĩnh cả cao nguyên. Thợ làm gốm không sống nổi với nghề đã lần lượt bỏ gốm. Giờ, khắp Yang Tao chỉ còn khoảng 5 - 6 người làm gốm như nghệ nhân H’Phiết Uông, nghệ nhân H’Lưm Uông hay nghệ nhân trẻ H’Huyên Bhôk. Dẫu nghề gốm chấp chới tồn vong, những nghệ nhân ấy vẫn âm thầm giữ cho gốm đen Yang Tao âm ỉ sống tới bây giờ để chờ đợi một cuộc hồi sinh.
Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều hướng để phục hồi nghề làm gốm gắn với phát triển du lịch. Sắp tới, huyện Lắk sẽ hoàn thiện hồ sơ để gốm thủ công của buôn Yơng Bắk trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, đồng thời phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào làm gốm để nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Bà H'Loan Uông Chủ tịch UBND xã Yang Tao
Một dạo, Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk đã xin kinh phí để hỗ trợ cho nghệ nhân truyền dạy nghề làm gốm cho người trẻ, đồng thời đặt làm một số sản phẩm gốm để giới thiệu cho các đơn vị du lịch. Những lớp học truyền nghề làm gốm có thời điểm lên đến vài chục người, nhưng rồi thiếu đầu ra nên nghề gốm cứ rơi rớt dần.
Năm 2018, tại Festival gốm Thanh Hà - Hội An, sản phẩm gốm Yang Tao của người Mnông đã được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, đánh giá cao. Tại các Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản phẩm gốm Yang Tao cũng được nhiều du khách chọn mua. Năm 2021, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ở huyện Lắk, Ban Tổ chức đã đặt hàng các nghệ nhân Yang Tao chế tác hơn 200 con voi làm bằng gốm làm quà tặng cho các đại biểu. Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng đặt các nghệ nhân sản xuất một số sản phẩm gốm làm quà lưu niệm. Mới đây (tháng 11/2023), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719, mở ra một cơ hội mới cho du lịch tại làng gốm cổ Yang Tao.
Địa phương xác định việc tiêu thụ sản phẩm gốm là sản phẩm du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề này. Du khách đến thăm làng gốm Yang Tao được chiêm ngưỡng quy trình và tham gia làm gốm truyền thống. Thời gian gần đây, tháng nào cũng có các đoàn khách tham quan, du lịch đến buôn mua các sản phẩm gốm nghệ nhân làm ra. Đây là những tín hiệu tích cực từ du lịch để nghề gốm của người Mnông ở Yang Tao phục hồi, phát triển.