Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Hương mắc cọp

Thùy Giang - 16:46, 08/07/2024

Mắc cọp – cái tên thật lạ với người miền xuôi nhưng lại rất đỗi thân quen với người dân Tây Bắc. “Mắc” trong tiếng Thái nghĩa là “quả”. Mắc cọp là quả lê rừng, thường mọc hoang trên núi cao. Hợp với những vùng rẻo cao có khí hậu lạnh, mát mẻ.

Mùa thu hoạch mắc cọp. (Ảnh Tuấn Anh)
Mùa thu hoạch mắc cọp. (Ảnh Tuấn Anh)

Do cùng họ nên nhìn bề ngoài từ gốc, thân, lá và hoa mắc cọp đều rất giống với cây lê. Phải là người đi rừng có kinh nghiệm mới nhận ra cây mắc cọp có lá nhỏ và dày hơn lá cây lê. Người phố núi thường chỉ biết tới quả của loài cây này, do được bày bán ở chợ phiên mỗi mùa quả chín. Nhưng ít ai thấy hoa mắc cọp. Chỉ có người Mông trên núi cao, sống gần với những rặng cây mắc cọp mới có dịp đi qua mà nhìn thấy loài hoa đẹp và có sức lôi cuốn kì lạ.

Mùa hè là mùa quả mắc cọp chín, vì vậy hoa mắc cọp vào thời điểm mãn xuân. Ban đầu là những cánh hoa lấm tấm nở như những ngôi sao sáng lấp lánh một vùng rẻo cao sau đó hoa bung nở thành từng chùm. Hoa mắc cọp trắng muốt như hình ảnh của những gì thanh khiết, lặng yên và xa xôi. Cây càng già, càng cổ thụ, thân cành càng khô mộc, mốc meo thì hoa mắc cọp lại càng trắng, như ánh lên màu nắng. Hoa mắc cọp nhìn sơ rất giống hoa lê, nhưng nhỏ hơn, tươi bền lâu hơn. Hoa mắc cọp thường kết thành chùm từ ba đến năm bông, như biểu tượng của sự kết đoàn, chống chọi lại sự lạnh giá trên núi cao.

Mắc cọp gắn bó với đời sống đồng bào Mông trên vùng núi cao Tây Bắc. (Ảnh Tuấn Anh)
Mắc cọp gắn bó với đời sống đồng bào Mông trên vùng núi cao Tây Bắc. (Ảnh Tuấn Anh)

Người miền xuôi thường biết tới những trái lê to nhập khẩu từ vùng ôn đới, to, tròn bóng bẩy bày trong các siêu thị hay các sạp hàng quả cao cấp, hương cũng thơm, vị cũng mát. Nhưng các sản vật từ rừng núi Tây Bắc luôn cho người ta cái cảm giác an lành. Mắc cọp khác với trái lê thường ở chỗ, mắc cọp mang trong mình hương vị của núi rừng. Mắc cọp tự sinh trưởng, không cần chăm sóc trong điều kiện khí hậu quanh năm lạnh lẽo, sương mù trên các dãy núi cao. Quả mắc cọp bé hơn quả lê, năng suất cũng thấp hơn, phần thịt quả cũng không dày như lê. Vỏ mắc cọp thường dày, cứng, có cảm giác thô rám. 

Khi mắc cọp còn non thì vị chát, khi ương thì có vị chua và hơi chát. Chỉ khi chín hẳn thì mới có vị ngọt mát, pha lẫn một chút thanh thanh nhè nhẹ, dễ chịu. Cho nên những ai từng thưởng thức mắc cọp một lần lại muốn thêm lần nữa. Ăn mắc cọp một mùa lại đợi tới mùa sau. Hương vị mắc cọp đậm đà và trong lành như chính nơi mà nó được sinh ra. Cái vị thanh mát, an lành không chỉ giúp người miền núi giải khát trên đường đi làm nương hay đỡ cơn đói trong những ngày tháng cơ cực mà còn gợi về một cội nguồn trong trẻo.

Mắc cọp thức quà an lành từ núi. (Ảnh Tuấn Anh)
Mắc cọp thức quà an lành từ núi. (Ảnh Tuấn Anh)

Cây mắc cọp ở đó, lấy dinh dưỡng từ đất mẹ đại ngàn, rễ tìm mạch nước từ những khe sâu. Cây cố vươn mình lên khỏi những sỏi đá, những tán cây rừng rậm rạp để đón cái nắng, cái gió cho hoa thêm dày cánh, cho quả thêm chút hương vị đậm đà. Thì ra, người ta cũng không hẳn là đòi hỏi một thứ quả to đẹp nhưng vị nhạt nhẽo. Người ta vẫn cần thực chất, đậm đà, thơm ngon, riêng khác và an toàn. Thứ quả mới hái từ rừng còn giòn tươi, chứa đựng trong đó cả sự ngọt, lành và cảm giác thân quen, gần gũi cũng khiến cho việc thưởng thức mắc cọp ngon hơn. Cắn một miếng mắc cọp xôm xốp, giòn giòn, thấy vị thanh mát tan trong miệng, thấy cả vị ngọt ngào thấm vào tận tâm can. Mắc cọp giúp người ta nhớ về những năm tháng đồng cam cộng khổ, sẻ chia những khó khăn, vất vả của miền non cao Tây Bắc. Phải là người thật hiểu, thật gắn bó với mảnh đất ấy sẽ càng trân quý giá trị của thứ quả rừng xa ngái mà thân thương - mắc cọp.

Tôi sinh ra và lớn lên ở núi. Từ nhỏ đã biết theo mẹ ra chợ để tròn xoe mắt ngạc nhiên về các thứ quả rừng bày bán đầy trên mặt đất giữa chợ phiên. Những quả mắc cọp, nhiều thì đựng trong lu cở, ít thì đựng trong túi vải nhuộm chàm. Quả chỉ to quá nắm tay trẻ con. Tôi đã sớm biết quả nào mà trên má ít những “đốm tàn nhang”, những chấm “chát” thưa thưa, quả căng tròn thì ngọt và ngược lại. Ấy vậy mà sau này trưởng thành, tôi lại hay chọn mua cho bà cụ ngồi lặng yên trong góc chợ những quả mắc cọp vỏ còn dày dít những chấm li ti, vị còn chát. Đó là khi tôi nghĩ, nếu mẹ tôi cũng là người phụ nữ ấy - những nếp nhăn trên khuôn mặt xô vào nhau, tay khẳng khiu, run rẩy… mà vẫn phải mưu sinh. Nếu như mẹ già của tôi cũng có khi ra ngoài, gặp lúc khó khăn và biết đâu cũng cần ai đó giúp đỡ mà chúng tôi không ở bên cạnh.

Mắc cọp bày bán ở chợ phiên. (Ảnh Hoàng Vân)
Mắc cọp bày bán ở chợ phiên. (Ảnh Hoàng Vân)

Lớn lên, chúng tôi đi học, đi làm ở những thành phố phồn hoa. Dễ đến vài năm tôi không được thưởng thức vị mắc cọp. Lần này trở về, tôi mang theo những đứa trẻ của tôi, vào đúng dịp hè mới gặp lại thứ quả này. Với tôi, từng miếng mắc cọp đều gợi về bao kí ức tuổi thơ, bao tình cảm với mảnh đất cho tôi tình yêu, nhựa sống để lớn lên. Các con tôi chưa thể hiểu hết. Nhưng mỗi lần về quê mẹ, lại thêm một lần trải nghiệm quả rừng. Có thể chúng thích hoặc chưa thích, nhưng mọi trải nghiệm đều trở thành kỉ niệm, đều làm giàu có các giác quan, làm giàu tâm hồn…

Tôi tin, cái miền đất trong veo có hàng trăm nghìn thứ thú vị không lẫn với đâu được ấy sẽ trở thành cội gốc cho rất nhiều những thương mến, cống hiến về sau ở thế hệ trẻ. Nhất là khi, bản sắc dân tộc đang chính là yếu tố làm nên sự khác biệt của quốc gia, dân tộc trong một thế giới phẳng. Mắc cọp – cái tên cùng hương sắc của mình đã góp phần tạo nên bản sắc đậm đà cho đất và người Tây Bắc quê tôi. 

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin cùng chuyên mục
Tái hiện các lễ hội truyền thống đặc sắc của Thủ đô tại hồ Hoàn Kiếm

Tái hiện các lễ hội truyền thống đặc sắc của Thủ đô tại hồ Hoàn Kiếm

Nhiều lễ hội truyền thống của Thủ đô Hà Nội được tái hiện tại chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sáng 6/10, đem đến cho người xem trải nghiệm thú vị về nét văn hóa độc đáo của địa phương, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.
Tin nổi bật trang chủ
Khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte Adresse, Pháp

Khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte Adresse, Pháp

Thời sự - PV - 1 giờ trước
Trong khuôn khổ chương trình tham gia Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, trưa 6/10, giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Sainte Adresse dự Lễ khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Lễ Cơm mới Đền Đông Cuông năm 2024

Lễ Cơm mới Đền Đông Cuông năm 2024

Tin tức - Nguyệt Anh - 2 giờ trước
Trong 2 ngày 5 - 6/10 (tức ngày 3 - 4 tháng Chín năm Giáp Thìn), tại Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái đã diễn ra Lễ Cơm mới Đền Đông Cuông năm 2024. Do đang tập trung ưu tiên công tác khắc phục hậu quả bão số 3 nên Lễ Cơm mới chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội.
Trong lắng sâu Hà Nội…

Trong lắng sâu Hà Nội…

Sự kiện - Bình luận - PV - 6 giờ trước
70 năm kể từ ngày giải phóng (10/10/1954), Hà Nội chứng kiến bao đổi thay, phát triển trong văn hóa và lối sống của người Hà Nội. Dẫu có như vậy, trong cuộc sống hằng ngày, từ lắng sâu tâm hồn, ta vẫn nhận ra nét đẹp của người Hà Nội, để ta tin rằng, nét đẹp ấy sẽ mãi đi cùng năm tháng.
Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột: Hỗ trợ điều trị miễn phí cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn

Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột: Hỗ trợ điều trị miễn phí cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn

Sức khỏe - Lê Hường - 6 giờ trước
Với những kết quả ấn tượng khi tham gia chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” mùa thứ 10, năm 2023, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đồng hành trong mùa thứ 11 của chương trình ý nghĩa này.
Bình Định: Phấn đấu đến năm 2025 có 85% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Bình Định: Phấn đấu đến năm 2025 có 85% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Kinh tế - T.Nhân-H.Trường - 7 giờ trước
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.
Ðộc đáo múa bóng rỗi

Ðộc đáo múa bóng rỗi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 4/10, có những thông tin đáng chú ý sau: Nghệ nhân làng cổ Đường Lâm biến rơm thành đồ chơi. Núi Bà Đen - Điểm nhất định phải đến. Những người lưu giữ báu vật của buôn làng. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhiều hoạt động trải nghiệm khi tới du lịch Cà Mau

Nhiều hoạt động trải nghiệm khi tới du lịch Cà Mau

Tin tức - Tào Đạt - 7 giờ trước
Mới đây, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn Famtrip khảo sát tuyến du lịch TP. Cà Mau - Ngọc Hiển - Cái Nước - Trần Văn Thời. Hoạt động nhằm giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau với các đơn vị lữ hành, du khách trong và ngoài nước.
“Hàng cây kết nghĩa” chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk

“Hàng cây kết nghĩa” chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk

Tin tức - Lê Hường - 7 giờ trước
Chiều 5/10, Phòng Dân tộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan, đơn vị kết nghĩa tổ chức Chương trình Lễ trao tặng công trình “Hàng cây kết nghĩa” và tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo buôn kết nghĩa - buôn Drai, xã Ea Na. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk. Bí thư Huyện ủy Krông Ana H’Yâo Knul tham dự Chương trình.
Kinh tế 9 tháng đạt mức tăng trưởng 6,82%

Kinh tế 9 tháng đạt mức tăng trưởng 6,82%

Thời sự - Hương Trà - 7 giờ trước
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,82%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.
Nhà thiết kế dân tộc Tày tái hiện lịch sử vàng son với sưu tập áo dài “Thuỵ vũ nghênh hy”

Nhà thiết kế dân tộc Tày tái hiện lịch sử vàng son với sưu tập áo dài “Thuỵ vũ nghênh hy”

Sắc màu 54 - Hương Trà - 7 giờ trước
“Thụy vũ nghênh hy” là bộ sưu tập áo dài mới nhất mà nhà thiết kế người Tày Vũ Thảo Giang giới thiệu tới công chúng đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 10 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 10 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Thời sự - Thúy Hồng - 7 giờ trước
Sáng 6/10, tại Tòa nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 10 để triển khai các nội dung phục vụ cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và xem xét, cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác liên quan đến công tác dân tộc theo sự phân công của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.