Trong khuôn viên của Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên, một ngày oi nồng vẫn thấy khói thuốc lá xuất hiện ở nhiều nơi mặc dù đây là cơ sở y tế, đã có quy định cấm hút thuốc trong toàn khuôn viên. Người thăm nom và cả người bệnh cũng vẫn vô tư hút và nhả khói.
Chị Trần Thị Mai, người nhà bệnh nhân cho biết: “Kể cả người già và thanh niên khi vào viện vẫn hút thuốc. Khói thuốc lá ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Người bệnh đã rất mệt mỏi rồi còn phải ngửi cả mùi thuốc lá nữa…”.
Bệnh viện đã có nhiều giải pháp nhưng để xử lý tình trạng này không hề dễ chút nào.
Bác sỹ CK II Phạm Đăng Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Hưng Yên cho biết: Đối với cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện, chúng tôi có những biện pháp để xử lý đối với các trường hợp hút thuốc lá trong Bệnh viện. Đối với bệnh nhân, chúng tôi cũng đã có những khẩu hiệu như, không khám, không tiếp nhận bệnh nhân hút thuốc lá. Nhưng đối với người nhà bệnh nhân thì việc quản lý rất khó khăn… Chủ yếu là thực hiện tuyên truyền nhưng không hạn chế được…
"Ngoài Bệnh viện, rất nhiều nơi công cộng khác như bến xe, công sở, trong và ngoài các hội nghị, khu vui chơi giải trí… vẫn phổ biến những hình ảnh vô tư hút thuốc lá như thế này. Có người không biết cụ thể về những nơi nào bị cấm hút thuốc và cũng có rất nhiều người biết bị cấm nhưng vẫn cố tình hút vì chưa bao giờ bị xử phạt...", Bác sỹ CK II Phạm Đăng Quế cho biết thêm.
Các đơn vị quản lý những địa điểm công cộng như trường học, bệnh viện, bến xe... thì không có quyền xử phạt người hút thuốc. Còn lực lượng tham gia xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá như Thanh tra Y tế, Công an đang thi hành nhiệm vụ, Chủ tịch xã (phường) thì cũng khó lòng mà thực hiện được triệt để vì rất nhiều nguyên nhân.
Ông Trương Văn Bảy, Phó Trưởng ban Quản lý bến xe, bến thủy Hưng Yên cho biết: “Ban Quản lý bến xe cũng chỉ thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở người hút thuốc chứ ko đủ thẩm quyền xử lý họ…”.
Ông Lều Văn Quân, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh cho biết: “Hiện nay việc quản lý việc hút thuốc lá nơi công cộng trên địa bàn rất rộng, trong đó lực lượng Thanh tra Y tế chỉ có 30 người nên việc kiểm soát hành vi hút thuốc nơi công cộng rất khó khăn…”.
Theo số liệu của Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục Thống kê đưa ra thì Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Không chỉ là người hút trực tiếp mà hút thuốc lá thụ động, một trong những hệ quả của việc hút thuốc lá nơi công cộng cũng gây ra những tác hại rất lớn.
Thạc sĩ, Bác sĩ, Dương Thanh Tùng, Khoa Hồi sức cấp cứu , Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hưng Yên cho biết: Những người phải hút thuốc lá thụ động bị ảnh hưởng gấp 5 lần người hút trực tiếp. Nếu phải hút thuốc lá thụ động thì nhiều nguy cơ sẽ bị mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ, ung thư và các bệnh lý cấp tính, mãn tính về đường hô hấp…
Luật đã có nhưng việc đưa vào thực tế đến đâu để xử lý những người hút thuốc lá nơi công cộng là cả một câu chuyện dài. Ý thức của người dân, trách nhiệm của họ với người xung quanh và với chính bản thân mình cùng gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Còn với những người có trách nhiệm giám sát, xử lý thì có lẽ cần đưa ra những phương án khả thi hơn để Luật không chỉ nằm trên giấy, “cấm thì cứ cấm và hút thì cứ hút".