Cô gái Tày Ma Thị Ninh sinh ra và lớn lên tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể - một vùng quê có tỷ lệ hộ nghèo lên đến 70%. Quen với việc đồng áng, chị nhận ra ở địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng nhưng chưa được khai thác, phát huy hết tiềm năng. Sản phẩm của bà con làm ra khó khăn trong khâu tiêu thụ, do đó người nông dân vẫn khó thoát nghèo... Làm cách nào để giúp bà con ở quê hương bán được nông sản, vươn lên làm giàu trên chính đáng trên quê hương? Câu hỏi đó cứ trở đi trở lại trong đầu cô gái người Tày. Để giải quyết được bài toán này, chỉ có thể phát triển nông nghiệp VietGAP theo chuỗi giá trị.
Khi ý tưởng đã hình thành, chị Ma Thị Ninh mạnh dạn vận động các hộ dân trong thôn thành lập HTX Yến Dương vào năm 2018, do chính chị làm Giám đốc. Chị Ninh chia sẻ, những ngày đầu thành lập HTX, các thành viên hầu hết kinh tế đều khó khăn. Trong 30 thành viên của HTX thì có 12 hộ trung bình, còn lại là hộ nghèo, hộ cận nghèo và vừa thoát nghèo. Và 200 hộ liên kết sản xuất phần lớn cũng thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đưa sản phẩm nông sản an toàn đến với người tiêu dùng, HTX Yến Dương đã thành lập các nhóm như: Nhóm sản xuất bí thơm; nhóm sản xuất lúa nếp Tài; nhóm sản xuất và chế biến miến dong tráng tay; nhóm sản xuất mướp đắng rừng; nhóm sản xuất mác mật tươi; nhóm chế biến măng khô; nhóm đan lát thủ công truyền thống mỹ nghệ… Mỗi nhóm đều có tổ trưởng, trưởng nhóm phụ trách.
HTX Yến Dương thường xuyên tổ chức tập huấn, phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Các nhóm đều thực hiện các chương trình hỗ trợ phân bón và hướng dẫn các hộ dân sản xuất theo hướng hữu cơ. Cây trồng đều sử dụng nguồn nước sạch, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc hóa học, các chất kích thích tăng trưởng. Các sản phẩm của HTX đều được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPS (hệ thống chứng nhận nông nghiệp hữu cơ). Cùng với việc hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất HTX đưa vào thực hiện đều được HTX bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất.
Cũng theo chia sẻ từ Giám đốc Ma Thị Ninh, năm 2019, HTX đã bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên địa bàn xã, với 35 tấn bí thơm, 11,7 tấn gạo nếp tài, 1 tấn miến tráng tay. Ngoài ra, HTX cũng đã bao tiêu giúp bà con một số sản phẩm theo mùa như mướp đắng rừng, măng rừng… Doanh thu của các thành viên, hộ dân liên kết, HTX đạt hơn 900 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, HTX bao tiêu 150 tấn bí xanh thơm cho hơn 70 hộ tham gia trồng; 20 tấn gạo nếp Tài cho 65 hộ trồng; 20 tấn tinh bột miến dong, miến dong tráng tay cho 75 hộ trồng và liên kết sản xuất với HTX. Doanh thu ước đạt trên 3 tỷ đồng.
Hiện nay, HTX Yến Dương đã sản xuất thành công sản phẩm trà bí thơm với nhiều tác dụng như: Thanh nhiệt, mát gan, giải độc cơ thể, hỗ trợ hiệu quả cho người cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Loại bí thơm được chọn làm trà là quả có vỏ phấn. Quả bí sau khi rửa sạch phấn, được thái lát thành những miếng mỏng, cho vào lò sấy. Với công nghệ sấy tiên tiến trong lò kín ở nhiệt độ cao, bí chín khô đều, đồng thời giữ được hương thơm, vị ngọt thanh mát, sau đó được đóng thành từng hộp để pha trà. Sản phẩm có đủ nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc. Trà bí thơm được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành, các siêu thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình… Mỗi năm, HTX xuất bán trà bí thơm ra thị trường với sản lượng hơn 3 tấn.
Năm 2023, HTX dự kiến thu mua 550 tấn bí thơm cho bà con, trong đó bán bí tươi 350 tấn, còn 200 tấn làm nguyên liệu sản xuất trà. Nhờ sản xuất sạch, bí thơm của HTX luôn duy trì ổn định ở mức 7 – 8 nghìn đồng/kg, bán đầu vụ tại ruộng. Nếu được sơ chế, bảo quản tốt, đóng gói đẹp thì giá bán có thể đạt 15 -17 nghìn đồng/kg. Với giá bán hiện tại, các hộ trồng bí có thể thu lãi 10 - 15 triệu đồng/sào. Năm 2023, toàn huyện Ba Bể đã phát triển diện tích trồng bí xanh lên đến gần 200 ha. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con người DTTS tại địa phương ngày càng được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Ông Cà Văn Thành, thành viên HTX Yến Dương cho biết: Năm 2020, khi có HTX là đầu mối bao tiêu sản phẩm, gia đình ông đã mạnh dạn trồng hơn 2.000m2. Tham gia HTX, ông không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ phân bón. Thay vì sử dụng phân bón hóa học, ông đã sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng.
Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản, HTX Yến Dương đã tích cực tham gia Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đăng ký mã vạch, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm đẹp. Hiện nay, HTX đã có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (từ 3 sao đến 4 sao cấp tỉnh) gồm: Bí thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay và mướp đắng rừng. Sản phẩm được phân phối đi nhiều tỉnh thành trong toàn quốc và một số hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, thực phẩm sạch trong nước.
Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét: Bí thơm và miến dong tráng tay là sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Ba Bể. Đây là thành quả của cả một quá trình lao động sản xuất sáng tạo, bởi những tri thức dân gian bản địa quý báu được người dân huyện Ba Bể gìn giữ, bảo tồn và kết hợp với khoa học công nghệ tiên tiến hiện nay. Bên cạnh chất lượng tốt, quy trình sản xuất khép kín an toàn hữu cơ, sản phẩm còn mang tính đại diện và truyền thống của địa phương, tạo nên tập quán canh tác và văn hóa ẩm thực của núi rừng Ba Bể.