Là người con của quê hương Bản Xèo, tuổi thơ của Vũ Quang Hưng gắn liền với củ dong riềng. Anh thạo mọi việc từ trồng cây, thu hoạch, chọn giống cho vụ sau, đến tráng miến thủ công… Trong gia đình anh, từ ông bà đến bố mẹ đều biết làm miến rất ngon, chất lượng.
Tuy nhiên, để có thể đưa miến dong trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, anh Hưng đã phải trải qua một hành trình khá dài. “Khi Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, mình đã suy nghĩ rất lâu, bàn bạc với gia đình và quyết định đầu tư mở xưởng, tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa. Mình là lao động chính, chịu trách nhiệm các khâu trong quá trình sản xuất. Những việc khác như: tìm mua nguyên liệu đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm miến khô thì do vợ đảm nhận. Lúc ấy cả nhà cùng làm tất cả các công đoạn từ xay, lọc bột, tráng, phơi, đóng gói... lúc nào cũng quay như chong chóng, không một phút ngơi tay. May mắn là miến phơi khô đến đâu đều được bán hết đến đấy. Kết thúc năm đầu tiên, mình bán được 7 tấn, trừ chi phí, thu lãi 120 triệu đồng. Đây cũng chính là động lực quan trọng nhất để mình tiếp tục gắn bó với nghề”, anh Hưng chia sẻ.
Công việc cứ thế cuốn theo thời gian, mỗi năm gia đình anh Hưng mở rộng thêm một chút. Sau 3 năm tích cóp, năm 2018, cơ sở sản xuất miến dong Hưng Hiền chính thức ra đời là tiền thân của HTX Hưng Hiền ngày hôm nay.
Giới thiệu cho chúng tôi từng công đoạn để làm ra những sợi miến dong ngọt thơm, anh Hưng cho biết, điểm mấu chốt để tạo ra sản phẩm miến dong được thị trường ưa chuộng như hiện nay chính là việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Để có được những sợi miến khô, khi nấu lên vừa có mùi thơm, vị thanh mát mà vẫn giữ được độ dai, giòn thì tinh bột làm miến phải là từ củ của cây dong riềng đỏ được trồng ở trên đất đồi.
Khi trồng và chăm sóc cây dong riềng, phải tuân thủ đúng kỹ thuật và đủ 10 - 11 tháng tuổi thì mới thu hoạch củ. “Sợi miến dong khi nấu lên, người thưởng thức sẽ cảm nhận được sự nồng ấm của bếp củi trong ngày mùa Đông, mùi thơm của sợi miến được phơi dưới ánh nắng mặt trời, cảm giác ấm cúng như đang sum họp bên gia đình... Đấy mới chính là hương vị miến xưa mình muốn đưa đến cho người tiêu dùng và cũng là cách để mình lưu giữ nghề truyền thống của quê hương”, anh Hưng chia sẻ.
Hiện nay, HTX Hưng Hiền đã tạo việc làm cho khoảng 20 lao động người Giáy tại địa phương. Chị Nông Thị Liên, thành viên HTX cho biết: “Tôi làm ở HTX được 6 năm rồi. Công việc của tôi là thái sợi, cắt và phơi miến, buổi chiều khi miến khô thì sẽ đóng gói. So với làm ruộng, đi nương thì công việc này nhẹ nhàng hơn, thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng.”
Còn chị Vàng Thị Chíu ở thôn Thành Sơn thì tham gia vào công đoạn tráng miến từ những ngày đầu anh Hưng mở xưởng. Với việc tráng miến hằng ngày theo thời vụ, chị được HTX trả 200 nghìn đồng/ngày công. Mức thu nhập này tương đối cao so với lao động nông nghiệp tại địa phương.
Để hoạt động của HTX ổn định và có thể mở rộng sản xuất, ngoài việc lựa chọn, thu mua nguyên liệu của người dân tại xã Bản Xèo, anh Hưng còn đến các xã Pa Cheo, Dền Thàng của huyện Bát Xát để khảo sát và đặt hàng người nông dân. Theo đó, HTX cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đến vụ thu hoạch sẽ thu mua toàn bộ số củ dong tươi của gần 40 nông hộ.
Chúng tôi đến thăm diện tích trồng dong riềng của ông Vừ A Lử, dân tộc Mông ở xã Dền Thàng. Ông Lử cho biết, mỗi năm, nhà ông trồng khoảng 30 bao giống. 7 năm qua, toàn bộ sản phẩm củ dong của gia đình đều bán cho HTX Hưng Hiền. “Tôi thích bán cho HTX Hưng Hiền vì anh Hưng luôn giữ chữ tín. Khi tôi cần hỗ trợ về kinh tế hay kỹ thuật, anh Hưng luôn sẵn sàng giúp. Điều quan trọng nữa là HTX luôn trả giá cao hơn thị trường và giữ đúng cam kết như đầu năm, mua củ dong với giá 2.800 đ/kg củ tươi. Mỗi năm, thu hoạch từ củ dong riềng, tôi bán được từ 50 - 70 triệu đồng, riêng năm 2022 là 120 triệu đồng. Từ nguồn này, gia đình tôi đã sửa sang lại nhà cửa, mua sắm được xe máy, ti vi và nhiều vật dụng thiết yếu trong gia đình”, ông Vừ bộc bạch.
Không chỉ làm miến dong truyền thống, anh Vũ Quang Hưng còn nghiên cứu, kết hợp giữa củ sâm đất (hoàng sin cô) với tinh bột củ dong riềng để tạo ra sản phẩm miến sâm được khách hàng ưa chuộng. Với các sản phẩm miến dong bảo đảm chất lượng, là sản phẩm OCOP của địa phương, mẫu mã đẹp, giá cả phủ hợp, được khách hàng tin tưởng, mỗi năm, HTX Hưng Hiền xuất bán trung bình từ 15 - 20 tấn miến, thu về khoảng 1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí, thu lãi trên 400 triệu đồng.
Khởi nghiệp thành công, làm giàu từ niềm đam mê với nghề truyền thống và mong muốn mọi người cùng có cuộc sống khá giả hơn, anh Hưng đã hỗ trợ vốn, giống cây trồng cho 18 hộ dân của xã Pa Cheo và xã Bản Xèo để phát triển kinh tế; giúp đỡ 3 hộ gia đình tại xã Pa Cheo và xã A Lù thoát nghèo nhờ trồng dong riềng và chăn nuôi. Anh và gia đình luôn đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Với những đóng góp tích cực, tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022, anh Vũ Quang Hưng là 1 trong 300 nông dân tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022. Đặc biệt, trong tháng 7/2023, anh Vũ Quang Hưng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.