HTX Dục Nông (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) được thành lập năm 2019 với 9 thành viên là phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng tham gia. HTX chế biến và kinh doanh các loại sản phẩm đặc trưng của địa phương như: rượu nếp cẩm, thịt gác bếp, thổ cẩm... Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, HTX được hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để xây dựng nhà trưng bày sản phẩm. Sau gần 5 năm hoạt động, hiện nay doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm, qua đó giúp cho các thành viên là phụ nữ DTTS có thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Chị Y Chon, dân tộc Giẻ Triêng, Giám đốc HTX Dục Nông cho biết, ngoài 9 thành viên chính thức của HTX thì còn có hàng chục hộ dân liên kết nuôi trồng, khai thác các sản phẩm tự nhiên cung cấp cho HTX chế biến các sản phẩm đặc trưng nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Hiện nay, HTX sản xuất gần 10 sản phẩm như: thịt heo gác bếp, rượu cần, muối, tiêu rừng, lá mì ủ chua, măng chua. Một số sản phẩm làm ra không đủ bán, trong đó có sản phẩm thịt heo gác bếp là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Trên cơ sở Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương phát triển kinh tế tập thể, về vai trò của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh; Luật HTX năm 2012. Đồng thời, tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi sự kinh doanh cho các mô hình phát triển kinh tế tập thể, hướng dẫn xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm đạt các tiêu chuẩn theo quy định, hỗ trợ tham gia sàn giao dịch điện tử, kết nối đầu ra cho sản phẩm cho 654 chị là cán bộ Hội các cấp, phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Chị Y Tý, thành viên HTX Cộng đồng Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Khi tham gia vào HTX, gia đình tôi và các thành viên được UBND xã hỗ trợ về giống sâm dây, phân bón; được dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc sâm dây, thu hoạch, bảo quản, nhân giống, đặc biệt là hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, gia đình đã trồng được 5 sào sâm dây và trên 500 gốc sâm Ngọc Linh. Nhờ đó gia đình mới có cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay.
Bà Y Phương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho biết: Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 138 mô hình kinh tế tập thể, HTX với hơn 2.000 thành viên tham gia, với nguồn huy động hỗ trợ gần 7 tỷ đồng, trong đó có hơn 80% thành viên tham gia mô hình là phụ nữ DTTS. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh phối hợp hỗ trợ máy móc, trang thiết bị và xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm (trang Web, nhãn mắc, mẫu mã báo bì, truy xuất nguồn ngốc) cho 8 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ với tổng số tiền hơn 330 triệu đồng cho 2 HTX. Các HTX được Hội hỗ trợ thành lập do phụ nữ quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay bước đầu đi vào hoạt động.
Việc triển khai Đề án và thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum bước đầu đã tác động đến thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” không trông chờ, ỷ lại của các thành viên trong lao động, sản xuất. Đồng thời, phát huy tính chủ động và trách nhiệm của thành viên từ việc bàn bạc, tự quyết định nội dung và giám sát hoạt động của mô hình. Một số mô hình kinh tế tập thể đã tạoviệc làm và thu nhập ổn định cho thành viên là phụ nữ DTTS; tăng cường sự gắnkết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất… để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.