Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Kon Tum có 261 HTX; 1 Liên hiệp HTX. Trong đó, có 180 HTX nông nghiệp và 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 68,9% tổng số HTX toàn tỉnh. Hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp không ngừng được cải thiện. Tính đến cuối năm 2022, doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp là 1,1 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận đạt 235 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên khoảng 35 triệu đồng/người/năm.
Tuy còn ở mức độ khác nhau, nhưng các HTX nông nghiệp đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn tham gia vào các HTX và liên kết sản xuất với các HTX. Những kết quả và thành tích đã đạt được ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của HTX nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong phát triển HTX nông nghiệp vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về kinh tế tập thể chưa thường xuyên, chưa sâu; việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi; năng lực chuyên môn và triển khai của đội ngũ quản lý HTX còn nhiều hạn chế, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại; HTX bước đầu có cải thiện về lượng và chất, nhưng phát triển chưa đồng đều đối với các lĩnh vực, vùng miền; chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định: Kinh tế tập thể, HTX có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tiếp theo, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận nhằm tìm ra “điểm nghẽn” trong việc phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; trên cơ sở đó các cấp, các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh có các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể để tháo gỡ nhằm phát triển thành phần kinh tế quan trọng này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận đánh giá kết quả đạt được về phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua, nêu ra những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các HTX như: Khó khăn về vốn; hạn chế về năng lực quản lý; khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ; khó khăn do tác động của nền kinh tế thị trường…
Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, có tính khả thi cao nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp; thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng mã số vùng trồng; phát huy vai trò của các HTX trong việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp cho Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.