Hiện nay, nhiều HTX bắt đầu ứng dụng công nghệ số, chuyển từ nông nghiệp thủ công sang nông nghiệp thông minh, chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Điển hình như HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) đã trở thành đơn vị tiên phong của huyện Phú Thiện trong chuyển đổi số. Hiện nay, HTX liên kết với nông dân canh tác hơn 215 ha lúa nước 2 vụ, trong đó có 140 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP sử dụng các giống như: J02, ST24, ST25... Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp 300 - 400 tấn gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai, cho biết: Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, HTX đã thích ứng nhanh với công nghệ số thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các kênh bán hàng online như Shopee, Lazada, Portmart.vn, Ocop.gialai.gov.vn hay xây dựng Website để lan tỏa thương hiệu. Nhờ sự tiện lợi của công nghệ nên lượng hàng bán ra mỗi tháng tăng 10 - 15%. Hiện tại, HTX đã tuyển dụng 1 cử nhân quản trị kinh doanh, 1 cử nhân công nghệ thông tin vào làm việc. Các nhân viên bán hàng đều có máy vi tính kết nối Tnternet để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công sản phẩm hồ tiêu hữu cơ, được tổ chức quốc tế Union công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu. Ngoài ra, HTX cũng đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Đak Yang nhờ vào việc canh tác theo phương pháp hữu cơ. Các sản phẩm hồ tiêu hữu cơ được HTX chế biến đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Đến nay, HTX có 6 sản phẩm đạt 3 - 4 sao OCOP cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, cho biết: HTX có 110 thành viên, canh tác 80 ha hồ tiêu và 120 ha cà phê. Để có sản phẩm chất lượng, HTX sử dụng phần mềm quản lý xác định từng vườn, địa điểm sản xuất, ngày bón phân và định lượng bón, thu hoạch, chế biến... Cùng với đó, HTX sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, lập Website cũng như tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ số giúp các thành viên HTX canh tác theo quy trình sản xuất đầy đủ để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng cũng như các đối tác”.
Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có 32 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng. Nhiều HTX nông nghiệp liên kết với người dân và doanh nghiệp sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Các HTX áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ nhà lưới, nhà màng, bảo quản nông sản, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng dây chuyền chế biến, đóng gói, sử dụng phần mềm bán hàng…
Một số HTX hoạt động gắn sản xuất với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng theo hướng hữu cơ như: Sản phẩm hồ tiêu của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa); chanh dây của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm (huyện Mang Yang); mật ong của HTX mật ong Phương Di (huyện Ia Grai); gạo của HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện)…
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với các HTX như: Nhiều HTX gặp khó khăn trong chuyển đổi số do quy mô nhỏ, năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa thể hiện vai trò sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ HTX đa phần lớn tuổi, trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, kém nhanh nhạy cũng là rào cản lớn của các HTX trong quá trình chuyển đổi số…
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho biết: Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh khuyến khích nhân rộng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nghề, công nghệ… để tăng năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của các sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Cụ thể, chúng tôi sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai mở các lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ chủ chốt của các HTX, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch chuyển đổi số. Đồng thời, khảo sát, lựa chọn một số HTX để xây dựng các điển hình về chuyển đổi số, sau đó nhân rộng mô hình hiệu quả. Từ đó, góp phần giúp các HTX trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, việc chuyển đổi số giúp các HTX tìm kiếm được mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn”.