Nhiều khó khăn
Thôn Khuổi Đác, xã Mai Lạp (huyện Chợ Mới), là địa bàn khá thuận lợi về giao thông so với mặt bằng chung tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, chị Trần Thị Kim Phượng, dân tộc Dao, ở thôn Khuổi Đác cho biết, trên địa bàn thôn hiện chỉ có khoảng 1/3 đường trải nhựa, còn lại vẫn là đường đất. Vào mùa mưa bão, người dân gần như chỉ có thể đi bộ, nếu đi xe máy phải cuốn xích vào bánh xe.
Ở xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông), sau bao nỗ lực nhưng đến nay, vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa. Riêng tuyến đường liên thôn Nà Lồm – Lủng Lầu được mệnh danh là "con đường đau khổ". Bởi tuyến đường có chiều dài hơn 5km và cả 5 km ấy là đường đất nhiều dốc cao, đá lởm chởm rất khó đi.
Ông Hoàng Văn Kiều, Trưởng thôn Lủng Lầu, cho biết: “Đường sá như vậy nên đời sống của người dân trong bản rất khó khăn. Dù dân có hàng hóa để bán, nhưng cũng không mang ra chợ được, thôn lại chưa có điện lưới người dân chỉ thắp đèn dầu”
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 5.500 km đường giao thông nông thôn chưa hoàn chỉnh, 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa, 86 thôn bản vùng sâu, vùng cao chưa có đường ô tô đến thôn, tương ứng với khoảng 254km. Toàn tỉnh mới có 36 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM.
Xác định giao thông như “hòn đá tảng” cản trở tiến trình xây dựng NTM, nên thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2582/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án "Xây dựng giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025".
Quyết tâm vượt qua cản trở
Nội dung Đề án đã chỉ rõ: Bắc Kạn là một tỉnh miền núi có địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp nên xuất đầu tư các công trình giao thông ở Bắc Kạn cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, tỉnh chưa phát huy hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, như: Lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và Nhân dân cùng nhau xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông nông thôn.
Trên thực tế, tỉnh cũng chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ trong công tác xây dựng giao thông nông thôn, như: Chính sách thuế các loại vật liệu, công tác hiến đất, khai khoáng xây dựng...
Để giải quyết vấn đề này, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm đảm bảo về kinh phí để thực hiện Đề án tiết kiệm, có hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM; đưa ra các giải pháp thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời về chính sách thuế đối với doanh nghiệp. Chính quyền sẽ xây dựng cơ chế, nhằm tăng quỹ đất làm đường giao thông nông thôn như: vận động, khuyến khích người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tài sản, sức lao động…
Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục áp dụng các công nghệ vật liệu mới vào xây dựng giao thông nông thôn, như: Công nghệ gia cố móng bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB), cácbonco, nhựa nhũ tương gốc a xít,...
Với các giải pháp đồng bộ, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu huy động 978,50 tỷ đồng xây dựng 915,07km đường giao thông nông thôn. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, sẽ có 60 xã đạt Tiêu chí số 02 về giao thông trong Chương trình NTM, nâng tổng số xã đạt Tiêu chí số 02 là 95 xã.