Hội tụ niềm tin
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết để vun trồng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku (ngày 19/4/1946), Người đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Khắc ghi lời căn dặn của Người, 74 năm qua, đồng bào các DTTS đã đồng lòng, đồng sức tự cường trong kháng chiến cũng như trong xây dựng, phát triển kinh tế. Nhiều phong trào thi đua làm theo lời Bác đã được phát động sâu rộng tới mọi tầng lớp Nhân dân. Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của đồng bào, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển toàn diện.
Còn nhớ, năm 2010, Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ Nhất đã được tổ chức trong 2 ngày 12 - 13/5. Đây là lần đầu tiên Đại hội Đại biểu các DTTS số Việt Nam được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô toàn quốc, tập hợp đầy đủ đại biểu của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại diện cho các tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội, các lĩnh vực, vùng, miền; nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển đất nước.
Một điểm nhấn trong Đại hội lần thứ Nhất là 100 đại biểu đại diện của 54 dân tộc Việt Nam đã đến dâng hương tại Khu di tích Đền Hùng. 100 đại biểu được chọn mang ý nghĩa tượng trưng cho 100 người con trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con đã về thăm quê cha đất tổ, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi Việt Nam. Đây là hình ảnh biểu tượng cho khối đại đoàn kết các dân tộc, hội tụ niềm tin luôn gắn bó bên nhau, thủy chung, đoàn kết, nguyện một lòng vững tin theo Đảng.
Lan tỏa điển hình
Dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ Nhất, năm 2010 có 1.702 đại biểu chính thức; trong đó 1.252 đại biểu địa phương, 450 đại biểu các cơ quan Trung ương. Họ là những hạt nhân tiêu biểu, những tấm gương sáng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tại Đại hội này, những hạt nhân tiêu biểu trong cộng đồng 54 dân tộc anh em đã bày tỏ quyết tâm đưa vùng DTTS và miền núi phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, thông qua Quyết tâm thư. Sau 10 năm, những đại biểu dự Đại hội lần thứ Nhất đã phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để thúc đẩy phát triển vùng DTTS và miền núi.
Thành quả phát triển vùng DTTS và miền núi trong những năm qua đã được minh chứng bằng những số liệu từ cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội năm 2019, chính thức được công bố tháng 7/2020. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng DTTS là 35,5%, theo chuẩn nghèo đa chiều (năm 2010, theo chuẩn nghèo đơn chiều là hơn 56%); gần 90% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS đã được tiếp cận điện; hầu hết các xã vùng DTTS đã có trạm y tế (99,5%)…
Kết quả điều tra không dừng ở các tiêu chí kinh tế mà còn bao trùm các chỉ tiêu của đời sống đồng bào DTTS, về điều kiện nhà ở, sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần. Phấn khởi là, gần như toàn bộ các hộ DTTS có nhà ở, trong đó nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 79,2%. Đặc biệt, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt gần 17m2/người; khoảng 92,5% hộ sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng; 61,3% hộ tiếp cận Internet…
Những con số nêu trên cho thấy, các mục tiêu đề ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ Nhất, năm 2010 cơ bản đã đạt được. Đây chính là thành quả của sự nỗ lực, vươn lên của đồng bào các DTTS trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, qua đó, đóng góp một phần to lớn vào thành tựu chung của cả nước.
Đại hội ghi nhận sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbak), Công ty Chè Shan Tuyết Hồng Thái và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Thành quả phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong 10 năm qua sẽ được báo cáo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020, tổ chức từ ngày 2 - 4/12, tại Hà Nội, với sự tham dự của 1.600 đại biểu chính thức và 300 đại biểu khách mời. Trong đó, 1.240 đại biểu đại diện của 54 dân tộc tham dự Đại hội được bầu chọn tại Đại hội Đại biểu DTTS cấp tỉnh lần thứ III, năm 2019 và 360 đại biểu Trung ương. Một lần nữa, những hạt nhân ưu tú của cộng đồng 54 dân tộc anh em được hội tụ ở Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, để thể hiện quyết tâm vì sự phát triển của đất nước nói chung, vùng DTTS và miền núi nói riêng.
Đại hội Đại biểu các DTTS Việt Nam tổ chức 10 năm 1 lần. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc với đồng bào các DTTS, thể hiện niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, ra sức thi đua, phấn đấu để đóng góp công sức của mình vào sự phát triển và phồn vinh của đất nước”.
(Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, ngày 18/11/2020).