Dự hội thảo có đại diện tổ chức Plan Internatinal Việt Nam, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Ban Dân tộc và một số sở, ngành liên quan của 21 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thời gian qua, công tác giáo dục đào tạo trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống chính sách phát triển giáo dục được ban hành khá đầy đủ, như: Chính sách học bổng, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, ưu tiên tuyển sinh đại học cao đẳng… Đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường phổ thông dân tộc nội trú hằng năm trên 97%; trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào cao đẳng, đại học, 5% đi học cử tuyển, 13% vào trường dự bị đại học... tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp học đạt 92% trở lên…
Tuy nhiên, qua rà soát thực tế vẫn còn 32 nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn không được hưởng chính sách hỗ trợ nếu không thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc ở các xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, UBDT đã nghiên cứu, xây dựng Đề án nhằm tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn có cơ hội tiếp cận với giáo dục, để từng bước nâng dần chất lượng nguồn nhân lực tại vùng DTTS và miền núi.
Dự thảo đề án chia làm 6 phần gồm: Căn cứ xây dựng đề án, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục tại vùng DTTS và miền núi; nội dung đề án; tổ chức thực hiện; dự kiến hiệu quả của đề án; kết luận và kiến nghị.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã phát biểu thảo luận tập trung một số nội dung như: Đánh giá tác động, thực trạng, bất cập của các chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh sinh viên DTTS giai đoạn 2010 - 2021; tên gọi của đề án; phạm vi thụ hưởng; đối tượng thụ hưởng...
Góp ý tham luận tại Hội thảo, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh Ân Thị Thìn cho biết:
“Tên đề tài xin phép được đề xuất điều chỉnh thành “Đề án hỗ trợ chăm sóc, giáo dục, đào tạo theo vòng đời học sinh, sinh viên DTTS tại vùng DTTS và miền núi” để bảo đảm đúng nội hàm của đề án”.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đánh giá cao các ý kiến góp ý, tham luận của các đại biểu của các tỉnh, thành phố, đơn vị; đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến để bảo đảm tính thực tiễn trong hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho học sinh DTTS tại vùng DTTS và miền núi.