Thực hiện đồng bộ nhiều chính sách
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Học sinh DTTS chiếm trên 60%. Vì vậy, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đã rất quan tâm phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó, việc phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS, miền núi được đặc biệt quan tâm.
Cùng với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS như: Hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT); Chính sách hỗ trợ kinh phí thuê nhân viên nấu ăn ngoài số kinh phí được Trung ương hỗ trợ để phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú; Hỗ trợ kinh phí cho học sinh THPT của 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải không được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP mỗi em 200.000đ/tháng. 40% học sinh DTTS toàn tỉnh được hưởng chính sách nội trú, bán trú. Giai đoạn 2016-2020, tổng các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh khoảng 3.130 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa trên 1.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành, thực hiện một số đề án, dự án như: Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; các dự án tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, xã hội hóa giáo dục. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của tỉnh về giáo dục như Nghị quyết số 22/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về ban hành một số chính sách hỗ trợ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 71/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 thông qua một số Đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 – 2025…
Các chế độ chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, đặc biệt là học sinh con hộ nghèo ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điều kiện tốt hơn trong học tập. Học sinh bán trú được ăn, ở, chăm sóc tại trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu củng cố duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Ngoài việc quan tâm hỗ trợ các chính sách, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh người DTTS như: Thực hiện tốt công tác tăng cường tiếng Việt; bố trí đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện công tác dạy học 2 buổi/ngày tại các trường PTDTBT. Sở GD&ĐT ban hành Quyết định quy định các nội dung giáo dục đặc thù, hướng dẫn xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý các nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT, PTDTBT... Với sự quan tâm, sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đến nay chất lượng giáo dục của các trường vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên. Mô hình trường PTDTBT đã khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần.
Đến nay toàn tỉnh có 240 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 54,2%; có 25 trường tiểu học, trường TH&THCS dạy tiếng dân tộc cho học sinh người Mông với 115 lớp và gần 3.500 học sinh. Hiện, 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Tỉnh duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.
Hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân các dân tộc. Năm học 2020-2021 toàn tỉnh Yên Bái đã có 9 trường PTDTNT với gần 3.000 học sinh. Có 54 trường PTDTBT, 54 trường có học sinh bán trú với gần 29 nghìn học sinh bán trú cao hơn các năm trước.
Đặc biệt, điểm nhấn trong công tác giáo dục dân tộc trong những năm gần đây của tỉnh Yên Bái là công tác giáo dục kỹ năng sống, công tác giáo dục văn hóa dân tộc và thực hiện phong trào thương thân tương ái. Toàn tỉnh: Có 31 trường PTDTNT, PTDTBT phối hợp với các đơn vị công an, bộ đội hướng dẫn học sinh nếp sống nội vụ; các trường đều tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, vừa rèn kỹ năng lao động vừa cải thiện bữa ăn cho học sinh. Nhiều trường đã tích hợp giáo dục văn hóa dân tộc thông qua các môn học và các hoạt động ngoài giờ chính khóa... qua đó, giúp học sinh có hiểu biết và biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc của dân tộc mình, với một số mô hình tiêu biểu là như mô hình trường học nông trại, trường học du lịch, trường học hạnh phúc...
Để nâng cao chất lượng giáo dục, hai năm qua tỉnh đã thực hiện cam kết chất lượng giáo dục đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện cam kết chất lượng giáo dục, ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Việc tổ chức cam kết chất lượng giáo dục được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Một số đơn vị có chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục mũi nhọn như huyện Lục Yên, Văn Yên, Mù Cang Chải…
Trên quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, mục tiêu đặt ra cho công tác giáo dục vùng dân tộc đó là tiếp tục tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học trường nội trú, bán trú với đầy đủ các điều kiện học tập thiết yếu; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hệ thống phòng học được kiên cố hóa; trên 65% số trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh nỗ lực xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn, tạo ra diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục.