Tham dự Hội thảo còn có ông Tào Việt Thắng Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Địa phương III, ông Phạm Chí Trung, Phó vụ trưởng Vụ chính sách Dân tộc và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành gồm: Ban Dân tộc, Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ, Ủy ban MTTQ Việt Nam của 15 tỉnh, thành khu vực phía Nam (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai, Long An , Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ)
Trong giai đoạn 2010 - 2021, công tác GD&ĐT trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống chính sách phát triển giáo dục được ban hành khá đầy đủ, như: Chính sách học bổng, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, ưu tiên tuyển sinh đại học cao đẳng… Đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường PTDT nội trú hằng năm trên 97%; trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào cao đẳng, đại học, 5% đi học cử tuyển, 13% vào trường dự bị đại học... tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp học đạt 92% trở lên…
Tuy nhiên, trên thực tế còn 32 nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn không được hưởng chính sách hỗ trợ, nếu không thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc ở các xã đặc biệt khó khăn. Vì thế xây dựng thành công Đề án sẽ tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS có cơ hội tiếp cận giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi. Dự thảo Đề án chia làm 6 phần, gồm: Căn cứ xây dựng đề án; đánh giá tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục tại vùng DTTS và miền núi; nội dung đề án; tổ chức thực hiện; dự kiến hiệu quả của đề án; kết luận và kiến nghị.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, thảo luận tập trung một số nội dung như: Thực trạng chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên con em đồng bào DTTS trên địa bàn các tỉnh thành chưa đi vào chiều sâu, còn bất cập của các chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên DTTS giai đoạn 2010 - 2021, tên gọi của đề án, phạm vi thụ hưởng, đối tượng thụ hưởng, kinh phí thực hiện,...
Tham gia góp ý tại hội thảo, ông Lâm Sách - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Nên thay đổi tên Đề án thành “Hỗ trợ GD&ĐT cho học sinh, sinh viên người DTTS” sẽ mang tính bao quát hơn lâu dài hơn. Đồng thời, các đối tượng thụ hưởng không nên chỉ ở các xã vùng DTTS và miền núi mà nên mở rộng ra để đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận chính sách.
Cũng theo ông Lâm Sách, một vấn đề bất cập trong thời gian qua, chúng ta thực hiện nhiều chính sách cho học sinh, sinh viên đi học theo diện cử tuyển, nhưng khi học xong không có việc, vì thế cần hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho các em ở đối tượng này.
Còn về nguồn lực tài chính và đối tượng thụ hưởng, ông Nguyễn Trung Nhân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ chia sẻ trong lo lắng: Về tên dự thảo chỉ nên sử dụng từ “hỗ trợ” với các cấp học mầm non, tiểu học, trung học và học nghề thôi, còn hệ đào tạo đại học nên cấp học bổng, hay hình thức khen thưởng động viên...
Thêm nữa, cần cân nhắc việc hỗ trợ như thế nào, cần cụ thể hơn vì chúng ta có cả các trường thuộc hệ thống công lập và tư thục, vì thế tài chính sẽ không chi trả nổi. Cần tính toán thêm phần tác động, đánh giá tác động với từng nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách; xem xét ở mức độ nguồn lực để thí điểm, để tính toán khả năng chi trả hỗ trợ.
“Vai trò và trách nhiệm, chúng tôi luôn đứng về phía đồng bào nhất là người dân nghèo, người dân khó khăn, nên khi thực hiện được Dự án chúng tôi sẽ quan tâm giám sát thực hiện chính sách một cách sát xao để những người thuộc đối tượng thụ hưởng sẽ được tiếp cận tốt nhất với chính sách và đúng thực chất giá trị của Dự án”, ông Nhân nhấn mạnh.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đánh giá cao các ý kiến góp ý rất tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến của các đại biểu cân nhắc tên gọi Đề án không để câu từ bó buộc phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, bản thân Đề án phải tạo ra hành lang cơ chế mở để chính sách dễ dàng tiếp cận với đồng bào, thiết kế tiêu chí để có chính sách phù hợp vì nhiều trường hợp đồng bào chỉ cần chính sách…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến của đại biểu các tỉnh, thành đóng góp cho dự thảo Đề án, để Ban soạn thảo nhanh chóng hoàn thiện bản chuẩn trình phê duyệt, để đồng bào DTTS sớm có chính sách mới thiết thực và phù hợp cho từng địa phương.