"Vườn ươm hạt giống tốt"
Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2021-2022, Trường PTDTNT tỉnh Hòa Bình có 3 em học sinh DTTS khối lớp 12 xuất sắc đạt giải. Đó là Bùi Thị Hồng Tuyết, lớp 12 B2, Hà Hương Na và Bùi Thị Nhị đạt giải Khuyến khích. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong năm học 2021-2022 vừa qua, ngoài những áp lực như mọi năm, thầy và trò phải đối mặt, vượt qua những áp lực chưa từng có khi tham gia Kỳ thi học sinh giỏi cấp THPT năm học 2021-2022. Lý do là vào giai đoạn ôn thi nước rút, 2/4 học sinh dương tính với Covid-19 phải điều trị tại các khu cách ly tập trung, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và kết quả ôn luyện.
Tuy nhiên, vượt lên nhiều khó khăn, các em học sinh đã khắc phục hoàn cảnh, tích cực ôn luyện để đạt thành tích xuất sắc, đưa Trường PTDTNT tỉnh Hòa Bình trở thành 1 trong 2 trường PTDTNT trong toàn quốc có học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022.
Kết quả đạt được năm học vừa qua đã góp phần vào thành tích năm thứ 8 liên tiếp Trường PTDTNT tỉnh Hòa Bình có học sinh giỏi cấp Quốc gia. Thành tích xuất sắc này tiếp tục củng cố vị thế hàng đầu của trường trong hệ thống các trường THPT của tỉnh, cũng như trong hệ thống các trường PTDTNT trên toàn quốc.
Thầy Quách Thắng Cảnh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Với đặc thù trên 80% học sinh ở nội trú, gần 100% học sinh là người DTTS, rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đòi hỏi nhà trường phải có nhiều giải pháp sáng tạo trong tổ chức, quản lý, giáo dục học sinh.
Nhà trường luôn tập trung làm tốt công tác quản sinh gắn với công tác giáo dục, đào tạo. Trong đó có nhiều mô hình quản lý, đào tạo phù hợp đã được tổ chức thực hiện đạt kết quả cao như các mô hình: Hướng dẫn học sinh tự học, 30 phút vàng, tự quản của học sinh nội trú...
Những kết quả đạt được của thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh Hòa Bình đã trở thành nền tảng, căn cứ quan trọng để tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa về chính sách và các nguồn lực cho các trường PTDTNT, hướng tới quyết tâm xây dựng các trường PTDTNT thực sự trở thành những "vườn ươm hạt giống tốt”, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Hòa Bình.
Hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tiễn
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình chia sẻ: Thống kê hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 13 trường PTDTNT với 3.855 học sinh là người DTTS. Mặc dù các trường PTDTNT trong toàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống, giáo dục kỹ năng sống; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng công tác giáo dục toàn diện cho học sinh nhưng công tác giáo dục vẫn còn khó khăn, hạn chế. Hiệu quả giáo dục còn thấp so với yêu cầu; chất lượng đào tạo mũi nhọn chưa cao; một số cơ chế chính sách, quy định về hoạt động trường PTDTNT không còn phù hợp với thực tiễn; số học sinh là người DTTS được học tại các trường PTDTNT còn thấp, chưa đạt 10% theo Quyết định số 1379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Để giải quyết những khó khăn này, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường PTDTNT nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây chính là cơ sở, chính sách quan trọng để thúc đẩy đầu tư toàn diện, nâng cao chất lượng các trường PTDTNT trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, Quyết định 861 của Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt QĐ 861) có hiệu lực. Nhiều thôn, xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, vùng tuyển sinh bị thu hẹp, tác động trực tiếp đến công tác tuyển sinh các trường PTDT nội trú, bán trú. Do đó, tỉnh Hòa Bình mong muốn sẽ có Thông tư mới về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông DTNT để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc tuyển sinh.
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT), mô hình giáo dục của các trường PTDTNT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, khoảng cách về vùng miền ngày càng được thu hẹp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách phát triển hệ thống trường PTDTNT đã thay đổi theo Luật Giáo dục 2019. Do đó, các văn bản, chính sách cần được điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp.
Ngoài ra, vấn đề giáo dục học sinh PTDTNT cũng cần phải linh hoạt, tăng cường hòa nhập đối với học sinh dân tộc thiểu số để các em tiếp cận và đáp ứng được những thay đổi theo sự phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Vụ Giáo dục Dân tộc được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ xây dựng thông tư Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông DTNT thay thế cho thông tư đã ban hành năm 2016. Thông tư sau khi được ban hành được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo có chất lượng đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và các mục tiêu phát triển bền vững với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.