Người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ thông tin
Kinh doanh dịch vụ Homstay ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã nhiều năm, tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc kinh doanh của gia đình anh Sùng A Hờ gặp nhiều khó khăn. Khi tỉnh Lào Cai có chủ trương mở cửa du lịch trở lại, anh Hờ có dự định đầu tư làm thêm nhà sàn khoảng 15 phòng để đón khách. Khi biết tỉnh có chính sách cho vay tới 200 triệu đồng/ 2 lao động, anh mừng lắm, nhưng chưa biết trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn vốn trên.
“Đầu tư một căn nhà mới phù hợp khá tốn kém, nếu được vay vốn ưu đãi sẽ giúp gia đình có điều kiện triển khai. Tuy nhiên, cái khó bây giờ là không biết gia đình tôi có thuộc diện hỗ trợ vay vốn không và thủ tục vay như thế nào…”, anh Hờ phân vân.
Ngay tại TP. Lào Cai, việc tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh cũng còn hạn chế. Ví dụ như tại Cơ sở Homestay Xuân Diện tại xã Hợp Thành, TP. Lào Cai. Hoạt động từ năm 2019, với cảnh quan tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa, Homestay Xuân Diện ngày càng được nhiều du khách biết đến.
“Hiện gia đình chỉ có một khu nhà sàn, phục vụ tối đa 20 khách lưu trú. Tôi muốn đầu tư mở rộng phòng nghỉ, bungalow nhưng rất khó khăn về vốn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tôi mong sớm được tiếp cận nguồn vốn theo chính sách hỗ trợ phát triển du lịch để nâng cấp Homestay, phục vụ du khách tốt hơn. Tuy nhiên, khi lên xã hỏi về chính sách này, thì chưa thấy có hướng dẫn”, chị Lý Xuân Diện, chủ Homestay cho biết.
Năm 2019, anh Lâm Văn Luận ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà được Dự án GREAT (thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch), hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Anh đã chỉnh trang nhà, xây nhà vệ sinh, các tiểu cảnh…
“Để thu hút nhiều đối tượng khách, gia đình rất muốn cải tạo thêm đồi chè hữu cơ thành điểm du lịch... Nhưng tôi không hề biết thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh”, anh Luận chia sẻ.
Để chính sách sớm đi vào cuộc sống
Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định, hằng năm cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã sẽ dành một khoản kinh phí, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách để cho vay hỗ trợ phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch; hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch.
Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án/điểm du lịch (không quá 100 triệu đồng cho 1 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm). Thời hạn cho vay theo chu kỳ của từng dự án và tối đa không quá 60 tháng; lãi suất áp dụng theo mức cho vay hộ cận nghèo.
Đối với phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, mức cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng/người (mỗi hộ được vay tối đa 200 triệu đồng/2 lao động)…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn tổng hợp, rà soát nhu cầu hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, gửi Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai làm cơ sở đề xuất nguồn kinh phí cho vay năm 2022 và các năm tiếp theo. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng.
Tuy nhiên, đến nay, theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai thì: “Ngay khi có quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn, Ngân hàng sẽ giải ngân đến các đối tượng có nhu cầu”(?).
Khi triển khai bất kỳ một chính sách nào cũng cần phải bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định. Tuy nhiên, điều người dân, cơ sở kinh doanh du lịch mong muốn lúc này là các cơ quan liên quan cần chủ động phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để chính sách sớm đi vào cuộc sống, thực sự trở thành động lực thúc đẩy du lịch phát triển sau ảnh hưởng nặng lề của dịch bệnh.