Hàng chục ngàn lao động mất việc làm
Đã hơn 1 tháng nay, chị Lữ Thúy Ngần, ở Quận Hà Đông phải vật lộn tìm kiếm việc làm thêm. Được biết, chị Ngần là công nhân một DN may mặc trên địa bàn Quận Hà Đông. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị được công ty cho nghỉ giãn việc.
Anh Nguyễn Nhật Linh ở Quận Long Biên là nhân viên của một khách sạn ở Quận Hoàn Kiếm cũng lâm vào cảnh thất nghiệp khi khách sạn nơi anh làm việc phải đóng cửa vì dịch bệnh. Hiện, anh Linh đã phải nộp hồ sơ xin hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Anh Linh, chị Ngần chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn lao động đang bị mất, thiếu việc làm trong thời điểm hiện nay. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây khó khăn cho không ít DN, NLĐ.
Đánh giá về những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra, tại Hội nghị trực tuyến giao ban kiểm điểm công tác quý I/2020 và giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP. Hà Nội diễn ra sáng ngày 6/4, đại diện Cục Thống kê Hà Nội cho biết, ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý I là khu vực dịch vụ, vận tải - kho bãi, khách sạn - nhà hàng, vui chơi giải trí. Riêng 4 ngành này đã làm giảm GRDP của Thành phố khoảng 1,26%.
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, toàn Thành phố có khoảng 40% DN, trong tổng số hơn 240.000 DN phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động; hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội (Sở LĐTB&XH Hà Nội), trong quý I/2020, số người đến Trung tâm nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp là hơn 12.000 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, từ đầu năm 2020 tới nay, Trung tâm mới tiếp nhận thông tin của gần 700 DN đăng ký tuyển lao động, với hơn 7.000 vị trí tuyển dụng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm trước.
Những giải pháp hỗ trợ thiết thực cho NLĐ
Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái tạo sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, để có những giải pháp hỗ trợ NLĐ, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống, cũng như thông tin tuyển dụng của DN. Đồng thời, khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do.
Với vai trò đại diện NLĐ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hà Nội đã triển khai kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, LĐLĐ Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với việc vận động hỗ trợ kinh phí, tặng sản phẩm, dịch vụ hoặc đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi đến công nhân lao động; vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn hỗ trợ giảm giá tiền thuê trọ cho đoàn viên công đoàn, NLĐ trong thời gian bị ảnh hưởng dịch; hỗ trợ 1.500 đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở khối DN có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người…