Theo cập nhật mới nhất, Việt Nam hiện đã ký kết công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau với 20 nước, gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran, Malaysia và Cộng hòa Dominica.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11/5 đã ban hành quyết định công nhận “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam. Theo quyết định này, “hộ chiếu vaccin” của Việt Nam sẽ được 27 nước Liên minh châu Âu (EU) công nhận. Đồng thời, mã QR của giấy tờ này cũng được xác thực, kiểm tra trên lãnh thổ của 39 đối tác có tham gia hệ thống hộ chiếu vắc xin điện tử của EU.
Như vậy, tính đến nay, “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam có thể được sử dụng ở 81 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Đây là kết quả nỗ lực phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông trong đàm phán với các nước đối tác”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
Việc cấp “hộ chiếu vaccine” ở Việt Nam đã được Bộ Y tế triển khai trên toàn quốc từ ngày 15/4.
Bộ Y tế cấp hộ chiếu vaccine từ 15/4, chứa 11 thông tin về người mang, được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D, hiển thị trên ứng dụng PC Covid hoặc Sổ Sức khỏe điện tử của người dân. Mã QR trên hộ chiếu vaccine sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, ngày 10/5 thông báo hơn 10 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine điện tử, tăng khoảng 4 triệu so với 5 ngày trước đó.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang chủ động đàm phán, đẩy nhanh quá trình công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Trên thế giới, trong bối cảnh Covid-19 dần được kiểm soát và tỷ lệ tiêm chủng tăng, một số nước châu Âu như Đan Mạch, Iceland và Na Uy đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với du khách nước ngoài. Romania, Montenegro, Ireland, Anh... cũng không yêu cầu bất kỳ chứng chỉ hay hộ chiếu vaccine nào đối với du khách nhập cảnh.