Nhiều mô hình hiệu quả
Xác định để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con DTTS không hề đơn giản, Hội Nông dân phường Ngô Mây, Tp. Kon Tum đã tăng cường tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn cụ thể từng công việc, đồng hành cùng bà con thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ trồng cỏ - nuôi bò - nuôi trùn quế - nuôi gà, sản phẩm và chất thải của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Bà con sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Ông A Bử ở thôn Plei Chum Đăk Choah, phường Ngô Mây, Tp. Kon Tum là người đi đầu đăng ký tham gia và còn vận động thêm 3 hộ trong làng cùng thực hiện. Với sự hỗ trợ ban đầu của thành phố và Hội Nông dân phường 240 con gà cho 2 hộ, 1 tạ sinh khối/hộ, bà con đã tích cực bắt tay vào thực hiện mô hình, với hy vọng phát triển kinh tế gia đình và bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu dân cư.
Theo ông A Bử, mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ trồng cỏ - nuôi bò - nuôi trùn quế - nuôi gà tuy mới được bà con thôn Plei Chum Đăk Choah triển khai, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển kinh tế gia đình. Với đặc thù bà con chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi bò, gà, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo hướng đi mới cho bà con nâng cao thu nhập.
Với khát vọng làm giàu trên quê hương, anh Phi Li Khiêm - Làng Rơ Wăk, xã Đăk Năng, Tp. Kon Tum luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vườn cây cà phê từ những nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Kinh nghiệm được tích lũy theo thời gian, vườn cà phê gần 2 ha của gia đình anh Khiêm luôn xanh tốt, đạt sản lượng cao. Không dừng lại ở đó, anh tiên phong thực hiện mô hình vườn cây sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, trồng các loại cây ăn quả quanh vườn, nuôi thêm bò để sử dụng phân bón cho cây trồng. Bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Cán bộ bám làng
Với phương châm bám sát cơ sở, hướng về cơ sở, tăng cường định hướng, vận động đồng bào DTTS chuyển đổi ngành nghề phù hợp, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Hội LHPN Tp. Kon Tum đã tập trung tuyên truyền cho chị em, lồng ghép với các Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thực hiện mô hình 5 hộ/xã, Hội đã triển khai gần 80 mô hình cho chị em DTTS phát triển kinh tế gia đình, tạo sự phấn khởi, động lực lớn để chị em cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Theo chị Huỳnh Thị Kim - Chủ tịch Hội LHPN Tp. Kon Tum, Hội LHPN Thành phố đã tập trung tuyên truyền cho chị em về nội dung, mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, lồng ghép với các cuộc vận động 5 không 3 sạch, thực hiện mô hình 5/xã... Đã có trên 4.500 hộ đồng bào DTTS, trong đó hơn 700 hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần dẫn những hủ tục, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Để cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đi vào cuộc sống, Hội Nông dân Tp. Kon Tum tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên sản xuất. Hội chủ động phối hợp với các xã, phường khảo sát về tình hình kinh tế của hội viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp giúp đỡ như tư vấn chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; hướng dẫn cách thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi, chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt gia đình để đầu tư tái sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Kon Tum cho biết, Hội chú trọng xây dựng, triển khai các mô hình kinh tế tập thể, mô hình kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế phù hợp với DTTS. Đã có một số mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, có thể nhân rộng, như mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Đăk Năng, mô hình nuôi trùn quế ở phường Ngô Mây hay mô hình cải tạo vườn tạp kết hợp chăn nuôi dê tại xã Kroong.
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp. Kon Tum hỗ trợ triển khai 60 mô hình. 92,5% hộ đồng bào DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Từ những kết quả trên, có thể khẳng định cuộc vận động là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng với cách làm sáng tạo, mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Ông Hà Đường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp. Kon Tum chia sẻ, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương cuộc vận động đến với hơn 12.000 hộ DTTS trên địa bàn; có hơn 10.000 hộ đồng bào DTTS biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và đời sống; khoảng 6.000 hộ đồng bào DTTS có đời sống vật chất được cải thiện. Mặc dù được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng cuộc vận động đã và đang tạo ra luồng gió mới trong vùng đồng bào DTTS và lan tỏa rộng khắp đến các thôn, làng, đến từng hộ dân. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự thay đổi rõ nét trong cộng đồng.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự nhiệt tình tham gia tích cực của người dân trong thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, sự khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương sẽ có nhiều khởi sắc; góp phần vào kết quả thực hiện các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra.