Gia đình anh Tẩn Phù Tào, bản Pà Chải, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ là một trong những hộ nghèo. Những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình anh Tào đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ, từ hỗ trợ lợn thuộc Chương trình 30a, đến chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo quyết định 102.
Năm 2018 gia đình anh Tẩn Phù Tào và 5 hộ khác trong bản đã được hỗ trợ một máy tuốt lúa mini. Nếu như trước đây gia đình anh mất gần 10 ngày mới gặt xong gần 5 nghìn m2 lúa, nhưng nay khi có máy gia đình anh chỉ có mất chưa đầy 5 ngày đã gặt xong.
“Từ ngày được hỗ trợ máy tuốt lúa mini đã giúp gia đình tôi tuốt lúa dễ dàng, nhanh chóng hơn so với cách đập lúa thủ công rất nhiều. Nó không chỉ giúp tôi và bà con tuốt lúa mà còn giúp phân loại rơm, phân loại lúa và loại bỏ những hạt lúa lép không sử dụng được ra từng phần riêng biệt”, anh Tẩn Phù Tào chia sẻ:
Cùng chung niềm vui, phấn khởi với anh Tào, gia đình chị Tao Thị Lơi ở bản 42, xã Nậm Xe cũng được hỗ trợ máy cày từ CT 135, chị nói: Từ ngày có máy cày, việc làm đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa, trồng ngô cũng dễ dàng và đỡ mất nhiều công sức hơn. Nếu trước đây để làm hơn 5.000m2 đất trồng lúa, gia đình tôi chăm chỉ lắm cũng phải mất 3 ngày công, nhưng nay có máy hỗ trợ, thời gian làm giảm đi một nửa. Sử dụng máy góp phần giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tôi có thể làm thêm việc khác như chăm sóc con cái và chăn nuôi…
Hỗ trợ máy móc trong sản xuất nông nghiệp là một trong những hợp phần được triển khai của Chương trình 135. Để triển khai có hiệu quả hợp phần hỗ trợ này, chính quyền xã Nậm Xe đã nêu cao tính tự quyết của Nhân dân trong việc triển khai chính sách. Theo đó, trước khi triển khai hỗ trợ, UBND xã đã họp dân để lấy ý kiến một cách dân chủ, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân.
Được biết, với tổng nguồn vốn thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất của CT 135 được triển khai trong năm 2018 là 570 triệu đồng, xã Nậm Xe đã triển khai hỗ trợ 58 máy tuốt lúa mini cho 58 hộ nghèo với kinh phí mỗi máy trên 9 triệu đồng. Không chỉ hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, địa phương còn giúp bà con nông dân tiếp cận được kỹ thuật sử dụng, bảo quản. Ngoài ra, người dân còn được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi một số loại như lợn Móng Cái, gà lai Mía, các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, giúp giải bài toán về thu nhập cho người dân.
Theo ông Lừu Văn Chớ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho biết: xã Nậm Xe là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Cả xã có 17 bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và Thái sinh sống, sản xuất nông nghiệp chiếm trên 90%. Trình độ dân trí của người dân còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu, nhiều hộ dân vẫn trông chờ ỷ lại vào chế độ đãi ngộ của Nhà nước, không tự chủ động vươn lên phát triển kinh tế... Những năm qua xã đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ Chương trình, giúp bà con phát triển kinh tế, nhất là tại các bản khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 44% (năm 2011) đến nay xuống dưới 30%.
Có thể khẳng định các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 đã và đang tạo điều kiện cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Nậm Xe, có điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất, thông qua đó giúp xã hoàn thành các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo.
HOÀNG QUÝ