Nghĩa cử đẹp của hai anh em
Vì lợi ích chung, 2 anh em ruột người Bru-Vân Kiều Hồ Văn Dinh và Hồ Văn Sang ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã bàn nhau cùng hiến đất để mở đường.
Thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đất đai là tài sản có giá trị lớn nhất của hai gia đình Hồ Văn Dinh và Hồ Văn Sang, thế nhưng khi xã Vĩnh Ô có chủ trương mở đường dân sinh, đường phục vụ sản xuất, anh Hồ Văn Dinh (sinh năm 1984, ở Bản 4) cùng người em ruột Hồ Văn Sang (sinh năm 1993, ở Bản 3) đã tự nguyện hiến đất để mở các con đường.
Chuyện bắt đầu năm 2022, huyện Vĩnh Linh phân bổ nguồn vốn gần 600 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) để xã Vĩnh Ô tiến hành quy hoạch, xây dựng đường nội thôn nối từ Điểm trường Mầm non Vĩnh Ô ở Bản 4, đi qua khu dân cư dài 500m, rộng 4m.
Quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, hộ anh Dinh chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi con đường đi qua gần 1/3 khu đất của gia đình. Đặc biệt, trên diện tích đất này, anh Dinh đang chuẩn bị xây dựng nhà ở kiên cố thay cho ngôi nhà xuống cấp mà cả nhà sinh sống bấy lâu nay. Khi được cấp ủy, chính quyền xã Vĩnh Ô giải thích, vận động vì sự cần thiết phải mở đường, anh không khỏi phân vân, nhưng rồi vẫn quyết định hiến đất để thông đường.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hồ Văn Dinh cho biết: “Đất là tài sản quý, nhưng khi được giải thích về tầm quan trọng của việc mở đường, vì lợi ích chung nên gia đình tôi đã thông nên hiến đất để thông đường”.
Anh Dinh lý giải thêm, nếu không đồng ý bàn giao mặt bằng, xã sẽ không thể thi công con đường. Bà con dân bản, các em nhỏ trong khu vực này cứ phải chịu vất vả đi vòng để ra được đường chính để đi làm, đi học. Nghĩ vậy, nên tôi đã bàn với gia đình để hiến gần 500 m2 đất để mở đường.
Hiến đất rồi, phần diện tích đất còn lại của gia đình anh Dinh hẹp đi, thấp hơn so với mặt đường. Anh Dinh tự tính toán, đắp thêm nền để xây dựng ngôi nhà nhỏ cho gia đình mình. Nhờ hành động nghĩa cử của anh Dinh công trình đường nội thôn khu dân cư Bản 4 đã hoàn thành vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Cũng vào năm 2022, khi xã Vĩnh Ô đầu tư xây dựng tuyến đường ra khu sản xuất giữa Bản 3 và Bản 4 với kinh phí 562 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Cái khó của xã Vĩnh Ô, là công trình không được bố trí nguồn để giải phóng mặt bằng. Khi được chính quyền địa phương giải thích rõ về quy mô và nguồn vốn đầu tư của công trình, anh Hồ Văn Sang (em trai anh Dinh) đã tự nguyện hiến 500 m2 đất ruộng lúa 2 vụ/ năm để mở đường lên khu sản xuất. Trước đó, chính anh Hồ Văn Dinh đã nhiều lần bàn với em trai của mình chấp nhận hy sinh lợi ích riêng của gia đình để mở đường vì lợi ích cộng đồng.
Không chỉ là hộ tiêu biểu hoàn thành bàn giao sớm mặt bằng, với vai trò Bí thư chi đoàn, anh Sang cùng chính quyền địa phương, tích cực đi vận động từng nhà còn băn khoăn, chưa đồng thuận. Từ sự kiên trì thuyết phục của anh, lại thấy gia đình anh gương mẫu hiến cả diện tích đất ngay sát trục đường chính nên nhiều hộ ở Bản 3, Bản 4 cũng ủng hộ theo, như hộ ông Hồ Văn Thin, Hồ Văn Bòn, Hồ Văn Lòi, Hồ Văn Thân… Nhờ đó, tháng 11/2022, đường ra khu sản xuất giữa Bản 3 và Bản 4 được xây dựng, đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong quá trình sản xuất.
Sự hy sinh vì cộng đồng của hai mẹ con khuyết tật
Bà Lê Thị Liên (sinh năm 1961), ở Khu phố 8, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh bị khuyết tật ở tay, với tỷ lệ thương tật 61%. Con trai bà bị tật cả tay lẫn chân, đi lại rất khó khăn. Để có cuộc sống bình thường như mọi người, hai mẹ con bà đã cố gắng gấp bội lần. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mẹ con bà đã nhiều lần hiến đất để mở rộng đường giao thông, góp phần xây dựng đô thị văn minh.
Năm 2017, khi Khu phố 8 có chủ trương vận động người dân hiến đất mở đường, xây dựng đô thị thông minh. Thời điểm này quanh khuôn viên gia đình bà Lê Thị Liên có 2 con đường đi qua (một con đường trước mặt nhà, một con đường bên hông nhà).
Được sự vận động của chính quyền, bà Liên và anh Trung đã đồng ý hiến đất để mở rộng cả 2 đường. Theo đó, đoạn đường trước mặt, gia đình bà hiến đất với chiều dài 28m, rộng 1,5 m. Còn đường bên hông nhà, bà Liên hiến đất với chiều dài 31 m, rộng 1,5 m. Năm 2023, khi thấy con đường trước mặt dù đã được mở rộng nhưng ngoằn ngoèo, chính quyền địa phương đến vận động, mẹ con bà không ngần ngại hiến thêm 0,7 m đất nữa để mở rộng, nắn lại con đường khu phố cho thẳng hơn.
Bà Liên cho biết, từ ngày hiến đất, mở rộng đường, gia đình bà và người dân ở đây không còn cảnh trơn trượt, bùn lầy mỗi khi mưa đến. “Trước đây, cả 2 con đường đi qua nhà tôi là đường đất, rất chật hẹp, xe máy đi lại cũng khó khăn, ô tô thì không vào được. Mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì trơn trượt, mẹ con tôi đã bị ngã nhiều lần. Bây giờ, cả 2 con đường đều rộng 5 - 6m, phương tiện đi lại thuận tiện, người dân cũng yên tâm hơn”, bà Liên nói.
Sau khi bà Liên hiến đất, các hội, đoàn thể ở Khu phố 8 đã vận động 20 hộ dân ở xung quanh góp tiền, công sức mua vật liệu và xây lại tường rào cho gia đình bà.
Ông Hoàng Hiệp, Khu phố trưởng Khu phố 8 cho biết: “Cuộc sống của gia đình bà Liên còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần vì cộng đồng của mẹ con bà, địa phương luôn ghi nhận. Đây là tấm gương xứng đáng được biểu dương”.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang dành nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, miền núi. Trong quá trình triển khai, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ nông dân vùng nông thôn đã trở thành những tấm gương sáng hiến đất mở đường. Đó là biểu hiện sinh động nhất cho sự đồng thuận, đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân đối với chính sách, chủ trương mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai. Cũng là tiền đề lớn để các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước ta đi đến thắng lợi vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” .