Những người hát Quan làng được đồng bào gọi là Pú Quan làng, chủ yếu là đàn ông đứng tuổi, khéo ăn khéo nói, có giọng hát mượt mà, có đời sống gia đình hạnh phúc, êm ấm để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc.
Hát Quan làng không có đạo cụ đi kèm mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông Quan làng. Trong một đám cưới truyền thống của người Tày, hát Quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón dâu, nộp dâu, đưa dâu. Pú Quan làng cũng tùy thuộc mình đại diện cho nhà trai hay gái mà có những bài hát khác nhau.
Khi thực hiện các nghi lễ đón, rước dâu, người hát Quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ.
Các bài hát Quan làng là cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống, hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ và dần từ bỏ tính ác trong bản ngã của mình. Trong mỗi lời hát Quan làng đều mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. Do vậy, các làn điệu hát Quan làng mang tính khích lệ, động viên tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần và sinh hoạt cộng đồng của người dân trong vùng.
Hiện nay, phong tục cưới xin của người Tày tại Tuyên Quang đang bị “phổ thông hóa”. Do vậy, tục hát Quan làng không còn phổ biến và đứng trước nguy cơ mai một.
Việc hát Quan làng của người Tày Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ góp phần giữ lại nét văn hóa đặc sắc này, góp phần làm phong phú và đa sắc màu cho kho tàng dân ca đám cưới của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.