Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội cho biết: Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng chương trình OCOP vẫn tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Năm 2021, TP. Hà Nội sẽ đánh giá khoảng 400 sản phẩm, nhưng đến nay đã có 541 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Vừa qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, đợt 1 năm 2021 cho 22 sản phẩm của 8 chủ thể trên địa bàn huyện Hoài Đức và 31 sản phẩm của 11 chủ thể trên địa bàn huyện Quốc Oai. Sản phẩm tham gia OCOP của huyện Hoài Đức có 20 loại thực phẩm, 1 loại đồ uống, 1 loại hàng lưu niệm, nội thất trang trí.
Điều nhận thấy ở các chủ thể sản xuất khi tham gia chương trình OCOP là họ đã được nâng cao thêm một bước về đầu tư chất lượng sản phẩm, mẫu mã và cách quảng bá, tiếp cận thị trường. Đặc biệt, sau khi sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, các chủ cơ sở sản xuất đã tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô nhà xưởng để nâng cao về số lượng, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm.
Đơn cử như sản phẩm rau Vietgap của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) được người tiêu dùng tin dùng từ nhiều năm qua. Nhờ đầu tư chất lượng, khoa học kỹ thuật, trong 2 năm 2019-2020, HTX đã có 30 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 4 sao chất lượng OCOP. Hiện nay, sản phẩm rau an toàn của HTX được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường qua các siêu thị ở 17 tỉnh thành từ Bắc Giang - Nghệ An. HTX đã giải quyết việc làm ổn định cho 12 lao động với mức thu nhập ổn định từ 6 -10 triệu đồng/người/tháng, từ 15-20 lao động thời vụ ở địa phương.
HTX đang tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và khoa học để nâng quy mô, chất lượng các sản phẩm rau của HTX. Hiện tại, HTX có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2,1ha, trong đó đã lắp đặt được gần 8.500m2 nhà màng nông nghiệp, cùng với hệ thống tưới phun tự động; 2 kho nhà lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ...
Tương tự, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm của anh Đỗ Thanh Long ở xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội) mặc dù mới đăng ký tham gia chương trình OCOP, nhưng đã đầu tư nâng cấp bao bì, nhãn mác và quảng bá thương hiệu. Cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm Minh Khuê Food là một cơ sở chuyên sản xuất - chế biến tinh bột sắn dây cao cấp. Các sản phẩm từ bột sắn dây như miến sắn dây và phân phối các sản phẩm nông sản thực phẩm khô. Những năm trước đây, do cơ sở sản xuất chưa có mặt bằng, chưa có sự đầu tư về khoa học, công nghệ nên chỉ theo dõi chương trình OCOP mà không thể tham gia.
“Sau khi nghiên cứu, tìm tòi và đầu tư nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Lượng tiêu thụ sản phẩm ngày càng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cho cơ sở, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong đợt đánh giá, phân hạng 53 sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021, sắn dây đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP. Hà Nội chấm đạt 71 điểm (đạt tiêu chuẩn 4 sao)”, anh Đỗ Thanh Long thông tin thêm.
Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm, mỗi quận, huyện thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP thực sự là giải pháp quan trọng để TP. Hà Nội phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Các sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch kinh tế nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước cụ thể hoá mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Hà Nội ngày càng bền vững.