Gắn với lợi thế vùng miền
Cao Bằng là một địa phương có địa hình chủ yếu là đồi núi chia cắt, dân số ít, phân bố rải rác nên chi phí đầu tư hạ tầng lớn; nguồn nhân lực hạn chế về số lượng, chất lượng; năng lực cạnh tranh còn yếu...Do đó, tỉnh này đã xác định không thực hiện Chương trình OCOP ồ ạt, làm theo phong trào, mà đi vào thực chất, với phương châm "chậm mà chắc".
Theo ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Cao Bằng, tỉnh luôn chú trọng đánh giá thật kỹ chất lượng, tiềm năng để chấm sao OCOP, không chạy theo số lượng, phong trào. Do vậy những sản phẩm OCOP của địa phương đều đã đứng vững và phát triển hiệu quả.
Điển hình như, nghề rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa có lịch sử hàng trăm năm nay, được chọn tham gia chương trình. Ông Nông Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Minh Tuấn chia sẻ: Sau khi sản phẩm dao của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao, đã giúp đơn vị mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung bình mỗi năm, HTX bán ra thị trường hơn 4.000 sản phẩm dao các loại.
“Cả xã hiện có gần 150 lò rèn, với khoảng 200 hộ làm rèn, trên 500 thợ rèn lành nghề. Với giá bán trung bình từ vài chục nghìn đồng đến hơn 200 nghìn đồng/sản phẩm, mỗi năm người dân ở Phúc Sen làm ra hàng vạn sản phẩm, với giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo”, ông Tuấn cho biết.
Còn tại Bắc Kạn, việc xây dựng Chương trình OCOP cũng được chú trọng về chất lượng. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP theo hướng “tinh”, đặc sản, giá trị cao, sản xuất theo hướng hữu cơ ngay từ ban đầu. Khi có thương hiệu, khẳng định được chỗ đứng sẽ tiếp tục từng bước nhân rộng.
Điển hình, các sản phẩm miến dong ở xã Côn Minh, huyện Na Rì được công nhận từ 4 sao trở lên, đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX miến dong Tài Hoan cho biết: Năm 2018, HTX tham gia chương trình OCOP, sau các quy trình, kiểm tra, chấm điểm nghiêm ngặt, sản phẩm mới được công nhận 4 sao, các sản phẩm miến đều có chứng nhận mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc.
Bà Hoan phấn khởi cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi không chỉ được đông đảo người tiêu dùng trong nước đón nhận, mà còn vượt qua được những đánh giá khắt khe của thị trường châu Âu. Do đó, chúng tôi hoàn toàn tự tin về chất lượng sản phẩm”.
Cần đi vào thực chất
Hiệu quả từ Chương trình OCOP đã thấy rõ, song cũng khó tránh khỏi việc, nhiều chủ thể tham gia nhưng chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình. Điều này dễ khiến Chương trình OCOP triển khai như một hình thức thi đua, phong trào chưa dựa vào đặc trưng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm; nhiều sản phẩm mới chú ý đến mẫu mã, bao bì, chưa chú ý đến chất lượng; công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, nguồn vốn cho Chương trình OCOP còn khó khăn...
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nguyên nhân là do nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến,... dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.
Hiện nay, các tỉnh vẫn chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, tính cộng đồng chưa cao để đưa vào tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng.
Theo ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, để giải quyết những khó khăn này, Chính phủ cần sớm ban hành Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có cơ sở ban hành Đề án thực hiện trong giai đoạn tới. Đồng thời rà soát, đánh giá và hoàn thiện lại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, không nên để tình trạng cùng một sản phẩm vừa cấp Giấy công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, vừa cấp giấy công nhận sản phẩm OCOP (tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận của 2 loại này gần như có tính tương đồng).
Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó cần tăng điểm tiêu chí chất chượng sản phẩm; xây dựng phần mềm đánh giá phân hạng, lưu hồ sơ phân hạng... bởi đây sẽ là yếu tố giúp cho chương trình tập trung cho phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng.
Có thể thấy, từ sân chơi OCOP các sản phẩm chất lượng cao sẽ là điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp có cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, các địa phương cần phải đi vào thực chất, không nên xuê xoa, chạy theo thành tích, thì mới có thể nâng tầm sản phẩm OCOP phát triển một các bền vững.