Theo đó, tất cả quán karaoke, bar, vũ trường trên toàn thành phố sẽ được các đoàn liên ngành do UBND các quận, huyện, thị xã thành lập đến để kiểm tra các điều kiện về văn hóa, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng như an ninh trật tự.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy tại số 231 phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy), xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Vụ cháy xảy ra ngày 1/8 đã để lại hậu quả nặng nề. 3 cán bộ, chiến sĩ Đội cảnh sát PCCC - Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, dập tắt đám cháy.
Trong công điện, UBND thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý cháy, nổ, thoát nạn, cứu nạn cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và người lao động.
Theo thống kê của Công an thành phố, 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy làm 12 người chết, 10 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 7 vừa qua, cả nước đã xảy ra hơn 150 vụ hỏa hoạn, khiến 6 người thiệt mạng, 3 người bị thương. Đáng chú ý, tình hình cháy, nổ tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người chết so với tháng 6.
Theo kế hoạch, đợt ra quân cao điểm sẽ kiểm tra các cơ sở kinh doanh về điều kiện phòng cháy, chữa cháy và sẽ có những xử phạt. Các cửa hàng sẽ lại đi mua bình cứu hỏa, trang bị thoát hiểm để đảm bảo yêu cầu. Nhưng sau 20/9, không còn đoàn kiểm tra, từng cá nhân, từng đơn vị kinh doanh hãy coi việc phòng cháy, chữa cháy là ưu tiên số 1 vì đó không chỉ là của cải, là tài sản mà còn là sinh mạng của mình và những người xung quanh./.