Đó là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non tổ chức chiều 24/8/2021.
Theo đó, nội dung cần chú trọng trong thời gian trẻ nghỉ học ở nhà gồm: Các hoạt động an toàn, chăm sóc, nuôi dưỡng, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh phòng, chống dịch, hoạt động thể chất...
Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các cơ sở giáo dục mầm non cần lựa chọn nội dung cần thiết, hướng dẫn cha mẹ giáo dục trẻ ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình nhằm chuẩn bị cho trẻ em tâm thế, kỹ năng sẵn sàng vào lớp 1.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, mầm non là cấp học cần được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi trẻ phải tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về nhiệm vụ trọng tâm, toàn ngành cần dành toàn tâm, toàn lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trường học. Căn cứ tình hình thực tế, từng cơ sở chủ động chuẩn bị sẵn kịch bản để ngay sau khi dịch được kiểm soát, có quyết định của UBND thành phố, các nhà trường có thể đón học sinh trở lại trường và triển khai ngay các nhiệm vụ năm học hiệu quả.
Các cơ sở giáo dục mầm non cần rà soát, quan tâm hỗ trợ các trường hợp trẻ em, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện”; phát huy tính sáng tạo của giáo viên; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; thực hiện nghiêm túc các quy định về thu, chi...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn thành phố hiện có 1.150 trường mầm non, hơn 2.700 nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục với tổng số trẻ ra lớp đạt gần 563.000 trẻ. Năm học 2021-2022, ngành giáo dục mầm non Hà Nội tập trung thực hiện chủ đề của năm học “Xây dựng trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện”.
Năm học 2021-2022, toàn ngành thực hiện triển khai 5 nhiệm vụ cụ thể: nâng cao hiệu quả công tác quản lý; đầu tư nguồn lực chuẩn hóa, hiện đại hóa mạng lưới trường, lớp; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; đẩy mạnh xã hội hóa.