Trải qua bao khó khăn, thăng trầm với nghề nhưng lò rèn nhà ông Cứ Văn Lộng, bản Lọng Háy, xã Mường Phăng vẫn luôn đỏ lửa mấy chục năm qua. Mỗi sáng sớm, ông Lộng và con trai Cứ A Nếnh lại nổi lửa, đổ than, quai búa… để khởi động ngày mới rồi mới đi làm những việc khác trong gia đình.
Gọi là lò rèn nhưng cũng khá đơn giản. Chỉ có một hố nhỏ, quây đá xung quanh làm lò, một khối sắt to, nhẵn để làm đe và một chiếc quạt lò chạy bằng điện. Vậy mà từ lò rèn thô sơ ấy, hàng ngàn chiếc dao, nông cụ… đã được sản xuất và bán cho người dân trong xã, trong tỉnh và cả du khách gần xa.
Anh Cứ A Nếnh, con trai ông Cứ Văn Lộng mới được bố truyền nghề cho khoảng 2 năm trở lại đây. Thế nhưng, dường như có gen di truyền nên những thao tác rèn của A Nếnh cũng thành thục, nhuần nhuyễn như người thợ lâu năm. Qua tay anh, những thanh thép được nung nóng, rèn giũa trở thành những con dao, nông cụ sản xuất.
“Để làm ra một sản phẩm cũng không quá khó. Điều quan trọng là phải thận trọng, tỉ mỉ. Một ngày, tôi rèn được 2 chiếc dao, gồm cả chuôi và bao đựng dao bằng gỗ. Hiện nay, việc rèn không hoàn toàn làm dao thủ công mà có thể dùng quạt để thổi lò, dùng máy cắt, máy mài để tạo hình. Tuy nhiên, các công đoạn quan trọng nhất như nung sắt, quai búa, làm tay cầm, tán và tôi dao… vẫn phải làm thủ công”, anh Nếnh chia sẻ.
Cũng theo anh Cứ A Nếnh, hiện nay, giá bán trung bình của một con dao khoảng 50 - 300 nghìn đồng, tùy kích cỡ, độ dày. “Đã có thời rèn dao có thể nuôi sống được cả gia đình. Thế nhưng hiện nay sản phẩm bán rất chậm, hầu như chỉ cung cấp cho bà con trong bản, trong xã mà chưa đưa sản phẩm bày bán tại các khu du lịch. Mà muốn giữ được nghề thì phải tìm được đầu ra ổn định…”, anh Nếnh trăn trở.
Tâm sự của anh Cứ A Nếnh cũng là nỗi niềm chung của đồng bào Mông xã Mường Phăng đang loay hoay tìm cách giữ nghề rèn truyền thống. Được biết, ngoài bản Lọng Háy, đồng bào Mông ở các bản Lọng Luông 1, Lọng Luông 2, Lọng Nghịu, xã Mường Phăng vẫn đang kiên trì giữ cho lò rèn nhà mình đỏ lửa.
Nhằm gìn giữ nghề rèn truyền thống, năm 2023, Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Điện Biên Phủ phối hợp UBND xã Mường Phăng tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghề rèn thủ công truyền thống dân tộc Mông tại bản Lọng Háy cho 15 học viên.
Trong số 15 học viên có Trưởng bản Lọng Háy Cứ A Thềnh. Chàng trai sinh năm 1991, thuộc thế hệ đi sau nhưng vẫn luôn muốn học nghề truyền thống để góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc mình.
Hiện nay, việc rèn không hoàn toàn làm dao thủ công mà có thể dùng quạt để thổi lò, dùng máy cắt, máy mài để tạo hình. Tuy nhiên, các công đoạn quan trọng nhất như nung sắt, quai búa, làm tay cầm, tán và tôi dao… vẫn phải làm thủ công”.
Anh Cứ A Nếnh bản Lọng Háy, xã Mường Phăng
Anh Thềnh chia sẻ: “Nghề rèn là một sản phẩm văn hoá đặc trưng của đồng bào Mông, nhưng trong bối cảnh hội nhập về văn hoá và kinh tế thị trường, nghề rèn của người Mông cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, chúng tôi đang rất nỗ lực để gìn giữ nghề rèn và tạo ra nhiều sản phẩm truyền thống, mang lại nguồn thu nhập ổn định phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày…”.
Từ bao lâu nay, sản phẩm từ nghề rèn truyền thống của người Mông luôn được tìm mua. Vấn đề hiện nay là làm như thế nào xây dựng thương hiệu sản phẩm rèn truyền thống người Mông Mường Phăng, để sản phẩm có mặt trên thị trường, để người làm nghề rèn sống được với nghề. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương, ngành chức năng cần định hướng, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tour tham quan, trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm rèn thủ công. Có như vậy, nghề rèn truyền thống của người Mông ở Mường Phăng mới có thể được giữ gìn; đồng thời góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.