Được thừa hưởng từ Chương trình 327 về khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh và trồng rừng mới (kết thúc năm 1998) và kế đó là Chương trình 661 về trồng mới 5 triệu héc ta rừng (kết thúc năm 2010) của Thủ tướng Chính phủ, các cánh rừng ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang thực sự có tốc độ phát triển nhanh và bền vững, đem lại niềm tin cho bà con các dân tộc trên địa bàn, nhất là đối với những người sinh sống bằng nghề rừng.
Bây giờ đi tới đâu, từ vùng thấp cho tới các huyện vùng cao núi đá, chúng ta đều bắt gặp những cánh rừng xanh tươi, với đủ các chủng loại cây có giá trị kinh tế. Bên cạnh 4 vạn héc ta rừng tự nhiên hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt, hơn 20 nghìn héc ta rừng tái sinh nghèo kiệt sau nương rẫy được khoanh nuôi để tái sinh, rừng Hà Giang còn có khoảng 1.500 héc ta cây bản địa như thông nhựa, mỡ, bồ đề, sa mộc, hơn 2.000 héc ta cây công nghiệp, cây đặc sản và cây dược liệu như cam, quýt, táo, lê, mận, đào, nhãn, vải...
Đáng mừng hơn, một số cánh rừng ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và một số huyện vùng cao... đã có dấu hiệu động vật rừng như hổ, báo, đăc biệt là voọc mũi hếch... đến sinh sống.
Chúng tôi đã có dịp về huyện Vị Xuyên và được các đồng chí lãnh đạo ở đây dẫn tới thăm một số cánh rừng trên địa bàn. Một cán bộ cho biết, nạn cháy rừng giảm, rừng tái sinh nhanh. Nhiều quả đồi trước đây không lâu còn trơ trụi đất đá, nay đã được phủ kín một màu xanh ngút ngàn của rừng.
Được biết, huyện Vị Xuyên cũng đã xác định rất rõ, rừng là một ngành kinh tế quan trọng nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lao động, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Làm tốt nhiệm vụ này còn hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và tham gia bảo vệ môi trường sinh thái.
Vậy, để phát huy được hiệu quả này của rừng, huyện đã có giải pháp gì? Tôi đặt câu hỏi với đồng chí lãnh đạo UBND huyện và đã được ông trả lời: Giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và tập thể là biện pháp bảo vệ, chăm sóc rừng có hiệu quả nhất. Nói một cách khác, người giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân.
Thì ra, các khu rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình còn những khó khăn, thiếu thốn, nhưng không lâu, chắc chắn họ sẽ có nguồn thu nhập không nhỏ từ những vườn rừng đang lên xanh tốt.
Hiện tại, rừng Hà Giang có trữ lượng lâm sản khá lớn và phong phú. Ngoài các loại gỗ quý hiếm như đinh, nghiến, pơ mu..., rừng Hà Giang còn có các loại cây nguyên liệu sản xuất giấy như mỡ, bồ đề, tre, nứa, vầu, kế đó là song, mây, cọ... Chỉ tính riêng vùng nguyên liệu giấy ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, mỗi năm cũng đã cung cấp hàng chục nghìn mét khối nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất bột giấy và giấy đế trong tỉnh.
Chưa bao giờ trên địa bàn tỉnh lại phát triển rầm rộ các cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm sản như trong những năm vừa qua. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này từng bước chuyển dịch, từ qui mô nhỏ truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ đó, vùng nguyên liệu và rừng sản xuất ở Hà Giang đã thực sự được quan tâm đầu tư phát triển.
Ở huyện Bắc Quang, trong tổng số rừng trồng mới, đã có tới 17 nghìn héc ta là rừng nguyên liệu. Hiện nay, dưới các tán rừng tự nhiên ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Quản Bạ, Bắc Mê, Yên Minh, bà con nông dân còn trồng được hàng chục triệu cây quế, thảo quả và một số loại cây ăn quả, cây dược liệu khác, tạo ra nguồn lợi lớn cho tương lai. Ở huyện Yên Minh, những nơi bà con có thu nhập khá hơn, thường là những nơi phát triển mạnh nghề rừng, nghề vườn, vì từ hai nghề này đã tạo cho các hộ gia đình có điều kiện hơn để phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm…
Rừng Hà Giang đã và đang có những bước phát triển một cách khá vững chắc. Những năm qua, các chương trình, dự án đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, và tỉnh cũng đã tâp trung cao cho việc trồng rừng mới, bảo vệ rừng, ổn định dân cư, giải quyết công ăn việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Bây giờ, muốn tới thăm những vườn cây ăn quả, những cánh rừng đang lên xanh tốt trên địa bàn toàn tỉnh, không khó khăn cho lắm, bởi lẽ, đường ô tô đã được mở tới tận các cơ sở.
Đây là sự chuẩn bị khá chu đáo, không những đáp ứng yêu cầu đi lại, phát triển sản xuất của bà con các dân tộc, mà còn cho sau này, các sản phẩm hàng hóa từ rừng với khối lượng ngày càng lớn được lưu thông trên thị trường một cách nhanh chóng và thuận lợi.