Đã thành nếp, thứ 6 hàng tuần học sinh Trường Tiểu học Nậm Cản, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên lại mặc trang phục truyền thống đến trường. Đối với thầy cô nhà trường, song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học thì việc giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được tiếp xúc nhiều hơn, hiểu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của bản thân, dân tộc mình là vô cùng quan trọng. Vì vậy, ngoài các tiết học chính, giáo viên còn giảng dạy, giáo dục học sinh về các giá trị văn hóa, các nét đặc trưng của mỗi dân tộc, đồng thời lồng ghép thông qua việc quy định mặc trang phục truyền thống trong tuần, giảng dạy về các di tích, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán của địa phương.
Ngoài ra, những giờ sinh hoạt ngoại khóa, các em còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm sự đoàn kết, tính đồng đội như múa xòe, kéo co, nhảy sạp... Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các em nhỏ tiếp xúc nhiều hơn với các nét văn hóa truyền thống, bồi dưỡng ý thức dân tộc, sự tự tôn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; từng bước hình thành lòng tự hào dân tộc khi nhắc tới, nói tới những nét đặc trưng văn hóa của bản thân. Tạo nên sự đa dạng, phong phú trong bức tranh đa sắc màu văn hóa dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cản cho biết: Học sinh của Trường thuộc nhiều dân tộc khác nhau, chủ yếu là dân tộc Thái (nhóm Thái trắng). Các em đang ở lứa tuổi rất quan trọng trong việc hình thành tư duy, nhận thức. Chính vì vậy, những năm qua song hành cùng công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục Trường còn tìm hiểu, nghiên cứu các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương, qua đó lồng ghép cho phù hợp với điều kiện thực tế; tạo điều kiện để các em nhỏ được tiếp xúc, trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống. Qua hoạt động này học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về phong tục truyền thống, trang phục, các trò chơi dân gian, dần dần giúp thúc đẩy học sinh thêm yêu các nét văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức của các em nhỏ về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc mình.
Thầy Nguyễn Hoàng Long, tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Nậm Cản chia sẻ: Hoạt động lồng ghép đều được thầy, cô tổ chức thông qua các hoạt động văn nghệ, thể thao; trong các dịp kỉ niệm, ngày lễ và giờ sinh hoạt chung. Sau những giờ học căng thẳng; được thư giãn, trải nghiệm nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích nên học sinh rất thích thú, tham gia sôi nổi...
Em Cà Thị Trang, lớp 5a2 chia sẻ: Là dân tộc Thái, em rất thích những buổi hoạt động ngoại khóa của trường. Mỗi khi tham gia các trò chơi truyền thống, các buổi diễn văn nghệ, em rất vui, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em rất thích xòe, những vòng xòe lớn nhịp nhàng xoay quanh sân trường. Mỗi lúc như vậy em và các bạn đều hưởng ứng rất nhiệt tình; vòng xòe giúp mọi người đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau khi đến trường, tạo không khí vui vẻ, hòa đồng và thân thiện sau những giờ học căng thẳng...
Có thể thấy sự quan trọng của việc gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa trong trường học đối với những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc lồng ghép, khuyến khích học sinh thêm hiểu, thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn tạo môi trường học đường lành mạnh, thân thiện, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.