Những lúc rảnh rỗi sau buổi làm việc trên nương rẫy hay mỗi buổi tối sau giờ ăn cơm, cả gia đình chị H Nai Niê quây quần bên nhau. Lúc ấy, chị H Nai lại hát kể cho các con nghe những câu chuyện cổ tích hay đoạn sử thi theo lối nói vần. Chị H Nai chia sẻ, chị đã được học lời nói vần từ năm 2004 ở lớp kể sử thi được mở tại huyện Cư Mgar trong khoảng 3 tháng. Đây là lớp học do Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam phối hợp với Phòng văn hóa huyện Cư Mgar tổ chức. Không biết chữ vì chưa từng đi học, nhưng vì yêu thích nên chị H Nai đã đăng ký học và tự tiếp thu bài học bằng cách nghe từng đoạn ghi âm, nhẩm theo và ghi nhớ trong đầu.
Chị H Nai Niê kể lại: "Như người khác biết chữ thì họ học theo chữ viết, còn tôi khi được phát cho máy ghi âm đã thu sẵn các bài nói vần thì tôi nghe từng đoạn và nhẩm hát theo. Đi đâu tôi cũng nhẩm hát từng đoạn ngắn để thuộc và biết cách hát. Tôi chỉ thuộc bằng cách ghi nhớ vào đầu vậy thôi chứ không biết chữ nên không ghi chép ra được. Lời nói vần, nhất là lời nói vần cổ thì tôi sẽ truyền dạy lại cho các con cháu và anh em họ hàng những ai thích học, muốn học và hát để con cháu mình nghe và biết".
Cũng là một học viên của lớp kể sử thi, anh Y Dhin Niê, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar có phần may mắn hơn vì được nghe kể sử thi, nghe khan từ khi còn nhỏ. Khi nghe có lớp kể sử thi được mở ở xã, anh Y Dhin liền đăng ký tham gia học. Anh quyết tâm học thuộc các bài sử thi được truyền dạy. Kết thúc lớp học anh còn đến nhà những nghệ nhân cao tuổi trong xã, nghe họ hát và nhẩm theo để thuộc các đoạn hay.
Đến nay anh Y Dhin có thể kể các sử thi như: Y Gung Y Dang, chàng Dam Yi. Anh cũng là một nghệ nhân trẻ được tham gia nhiều hoạt động giao lưu và trình diễn dân gian trong và ngoài tỉnh. Y Dhin Niê cho biết, anh rất muốn có thể tiếp tục lưu giữ và truyền lại những tích cổ của người Êđê và loại hình lời nói vần này cho các con cháu.
"Tôi được nghe về những bài dân ca theo lối nói vần của ông bà, những câu chuyện cổ tích thì tôi có những sự thích thú đặc biệt và mong muốn được lưu giữ lại. Như bản thân tôi thì chỉ được các bác nghệ nhân cao tuổi truyền dạy lại được một phần thôi, muốn học thêm nhiều nhưng không có ai truyền dạy nữa. Tôi cũng mong muốn lưu giữ lại những lời nói vần này để mai này con cháu cũng muốn học và gìn giữ như chúng tôi đang làm, để lưu giữ và truyền lại những câu chuyện cổ, cách nói vần của ông bà." - anh Y Dhin chia sẻ.
Lời nói vần, tiếng Ê đê gọi là “Klei duê”, theo đó, “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Trước kia, lời nói vần xuất hiện khá phổ biến trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Ê đê. Lời nói vần với những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động, giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu.
Loại hình này có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), khan, kứt, eirei. Lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng, có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, bên ché rượu cần khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình hay người già răn dạy con cháu. Người diễn xướng Klei duê tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.
Theo nghệ nhân Y Wang H Wing, ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình phát triển của người Ê đê. Đó có thể là kinh nghiệm về thiên nhiên, như việc xem thời tiết, cây cỏ, chim muông để biết thời vụ gieo trồng, gặt hái, đoán ngày tốt, ngày xấu. Cũng có thể là kinh nghiệm về xã hội và con người, như cách ứng xử trong gia đình và xã hội, phong tục, tập quán.
Nghệ nhân Y Wang Hwing kể, ông thường dùng lời nói vần để nhắc nhở, khuyên răn bà con trong buôn những điều hay, lẽ phải, sống phải biết nguồn gốc dòng tộc, bổn phận của mỗi người trong cộng đồng và trách nhiệm của cộng đồng đối với mỗi thành viên. Ông mượn hình ảnh tên các con suối, dòng sông để nói về sự đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng, hay mượn những chiếc gùi, chiếc vòng, bông hoa nghệ để nói về tình yêu đôi lứa, gia đình.
"Mình phải biết kết hợp, kết nối, lựa chọn những đoạn hay nhưng phải ngắn gọn, dễ hiểu vì thế hệ trẻ bây giờ không phải ai cũng hiểu những lời văn vần cổ. Do đó phải kết hợp những luật tục mới theo pháp luật, nói về cuộc sống hôn nhân, hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế trở thành cốt lõi của lời hát, để câu nói, lời răn có vần điệu nhưng dễ hiểu và đúng theo pháp luật." - ông Y Wang Hwing cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, huyện Cư M’gar hiện có 318 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tập trung nhiều nhất lại xã Ea Tul. Thời gian qua, xã Ea Tul cũng rất tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa này trong cộng đồng. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã chọn xã Ea Tul là nơi thực hiện việc sưu tầm, khảo sát thực tế và lập hồ sơ khoa học về lời nói vần, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện để Đắk Lắk đề ra những giải pháp cụ thể nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy lời nói vần của dân tộc Ê đê ngày càng tốt hơn trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.