Bài 2: Đánh thức ý chí thoát nghèo
Thích được… nghèo!
“Trông chờ” và “chây ỳ” xuất hiện không phải là hiếm khi nói đến xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương. Có những trường hợp, dù có đất canh tác, được chính quyền địa phương hỗ trợ cây con giống, vật tư, phân bón,… nhưng không nhận, bỏ hoang đất đai, kiên quyết làm… hộ nghèo.
Như ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), hiện có 4.754 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 60% tổng số hộ toàn huyện (trong khi tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Khánh Hòa hiện chỉ còn khoảng 9%). Theo ông Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh thì nhiều năm qua, tỉnh và huyện đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhưng kết quả vẫn chưa cao. Một phần là do còn có nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo, chỉ trông chờ được hưởng chính sách của Nhà nước. Chính vì có nhiều chính sách cấp phát, cho không nên nhiều người có tư tưởng muốn được làm người nghèo “bền vững”.
Lấy trường hợp ông Hứa Văn Biên, ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam làm ví dụ. Năm nay mới 39 tuổi, nhà có hơn 1ha đất rẫy bố mẹ để lại nhưng ông Biên bỏ hoang không canh tác. Vợ ông lầm lũi đi ươm keo giống thuê, ông thì đi làm “bữa đực bữa cái”. Vì thế, dù chỉ có 3 nhân khẩu nhưng hơn 10 năm nay, gia đình ông Biên vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Khánh Nam.
Đáng báo động hơn, không chỉ người dân mà ngay cả thôn, bản, xã, thậm chí huyện cũng có tâm lý thích được… nghèo để được thụ hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ. Đây là một trong những lý do căn bản khiến công tác giảm nghèo cứ ì ạch như người leo núi mùa mưa.
Lấy dẫn chứng ở bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bản có 25 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều. Bao năm nay, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo cho bản Hưng là không hề nhỏ nhưng hiện toàn bản có tới 22 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo luôn thường trực nguy cơ tái nghèo.
Hay như tại Nghệ An, giai đoạn 2011-2016, tỉnh này đã bố trí hàng trăm tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ các địa phương ĐBKK phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng đến nay, theo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh thì chỉ mới có 3 xã và 25 thôn thoát khỏi tình trạng ĐBKK, trong tổng số hơn 1.200 thôn bản ĐBKK trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính rộng ra cả nước, giai đoạn 2011-2016, hàng nghìn tỷ đồng đã được bố trí để thực hiện giảm nghèo ở các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ có 80 xã, 372 thôn, bản được công nhận ra khỏi tình trạng ĐBKK.
Giai đoạn 2016-2020, số thôn bản ĐBKK trên cả nước tăng đột biến. Nếu như giai đoạn trước chỉ có 3.100 thôn, bản thì hiện cả nước có tới 20.176 thôn ĐBKK thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 phê duyệt danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Gỡ lực cản
Rõ ràng, tâm lý “thích được nghèo” để thụ hưởng chính sách đang là một lực cản rất lớn trong công tác giảm nghèo của nước ta. Bởi vậy, mấu chốt của xóa đói, giảm nghèo chính là đánh thức ý chí vươn lên, từ chính người dân cũng như chính quyền các cấp.
Thời gian qua, đã có không ít địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong giảm nghèo từ chính việc đánh thức ý chí thoát nghèo của đối tượng thụ hưởng. Trong đó, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có thể xem là một điển hình.
Là huyện miền núi, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế nên tỷ lệ hộ nghèo ở Chiêm Hóa rất cao (năm 2016 chiếm 30,9%). Ở đây, cái nghèo, sự tự ti cứ bám riết lấy nhiều hộ gia đình. Do vậy, để thay đổi tư duy không phải dễ.
Tuy nhiên, cùng với các chính sách, các đoàn thể xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng chung tay vận động, động viên người dân nỗ lực vươn lên. Bằng phương pháp ấy, nhiều xã trong huyện Chiêm Hóa rộ lên phong trào tự nguyện thoát nghèo.
Như trường hợp của bà Ma Thị Ngân, một hộ nghèo ở xã Kim Bình. Năm 2013, nhà của bà Ngân bị cháy, thiêu rụi toàn bộ tài sản. Đã ngoài 60 tuổi, có một cậu con trai nhưng lại đi làm ăn xa, bà một mình gượng dậy. Được chính quyền địa phương, bà con lối xóm hỗ trợ, giúp đỡ, bà trồng ngô, trồng mía, làm thêm nghề đan cót… từng bước gây dựng lại kinh tế gia đình. Mọi người đều khâm phục nỗ lực của bà Ngân, coi đó là tấm gương để học tập.
Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Chiêm Hóa, các xã như: Minh Quang, Kim Bình, Phúc Sơn... trong hai năm 2016-2017, mỗi năm đều có hàng chục hộ gia đình tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Nhờ đó, kết thúc năm 2017, toàn huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,9% xuống còn 25,87%.
Cũng như huyện Chiêm Hóa, việc đánh thức ý chí thoát nghèo cũng có vai trò quyết định trong công tác giảm nghèo ở nhiều địa phương khác. Dẫn chứng ở huyện Mường Chà (Điện Biên), từ một địa bàn có tới trên 70% là hộ nghèo (năm 2016), nhờ việc triển khai phương thức đánh thức ý chí thoát nghèo của người dân, việc giảm nghèo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm xuống còn 62,83%.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (tổ chức ngày 24/1/2018), báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hết năm 2017, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016; hộ nghèo ở các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, một thực tế cũng dễ nhận thấy là, dù tốc độ xóa đói, giảm nghèo là khá nhanh nhưng tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh cũng luôn thường trực. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện 30a hiện vẫn rất cao. Đây là những thách thức không hề nhỏ trong công tác giảm nghèo trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2017, hộ nghèo bình quân cả nước còn 6,72%, giảm 1,51% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, chặng đường phía trước sẽ rất gian nan nếu như những tồn tại, hạn chế không được khắc phục.
SỸ HÀO