Trong quá khứ, chúng ta đã có một số chương trình lồng ghép được yếu tố giải trí và giới thiệu hình ảnh đất nước, song số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một đi… chưa biết ngày trở lại
Còn nhớ Cuộc đua kỳ thú từng “làm mưa, làm gió” trên các kênh sóng vì không chỉ tung lên những màn ganh đua, vượt qua thử thách của các đội, mà khán giả còn được tận hưởng cảm giác đi du lịch qua màn ảnh nhỏ. Theo format, Cuộc đua kỳ thú là trò chơi truyền hình theo chân các cặp thí sinh đi khắp Việt Nam thi đấu. Đầu tư về quy mô, mỗi chặng đua được ê kíp thiết kế để đảm bảo yếu tố sẽ trải dài khắp các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Những địa danh như Vịnh Hạ Long, Ghềnh Đá Dĩa, Hồ Xuân Hương... cùng các nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt đều lần lượt được lên sóng. Lồng ghép quảng bá văn hóa, du lịch vào gameshow, Cuộc đua kỳ thú được xem là “món ăn” lạ miệng giữa “rừng” show giải trí đồng sắc. Đạt tỷ suất người xem cao nhưng sau mùa năm 2019, chương trình không còn được sản xuất khiến khán giả tiếc nuối.
Tương tự, Đi Việt Nam đi - Vietnam Why Not là dự án hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong việc kích cầu du lịch nội địa, bằng việc giới thiệu vẻ đẹp các điểm đến của nước ta thông qua hành trình quay hình. Tham gia các thử thách có 9 hoa hậu, á hậu, được chia thành 3 đội chơi: Nón Lá (Hoa hậu Khánh Vân, Á hậu Mâu Thủy, top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 Hương Ly); Quai Thao (Hoa hậu Ngọc Diễm, Hoa hậu Ngọc Châu, Hoa hậu Tường Linh); Khăn Rằn (Á hậu Võ Hoàng Yến, Á hậu Hoàng My, Á hậu Kim Duyên). 10 tập của chương trình gắn với 10 điểm du lịch. Sở hữu dàn khách mời được khán giả yêu mến, thử thách trong chương trình mang đậm bản sắc văn hoá Việt; cùng với đó là những cảnh quay làm người xem mãn nhãn phô diễn vẻ đẹp của các danh thắng, Đi Việt Nam đi - Vietnam Why Not nhanh chóng chiếm lĩnh được cảm tình của người xem. Mỗi tập phát sóng trên YouTube đều thu hút từ 1,5 đến hơn 2 triệu lượt xem, từ đó, góp phần lan toả hình ảnh văn hoá, đất nước con người trên dải đất hình chữ S đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, hiện show cũng đã dừng và chưa có thông tin gì về việc sẽ quay trở lại.
Đã đến lúc cần phải thay đổi
Ngoài những show kể trên, Việt Nam vẫn có thêm một vài chương trình về quảng bá văn hoá, con người nhưng nhìn chung số lượng vẫn rất ít. Hơn nữa, “tuổi thọ” các chương trình kiểu này rất ngắn, đôi khi chỉ 1 mùa rồi dừng. Được cho là “món ăn” mới lạ trong “thực đơn” giải trí, nhưng những gameshow có yếu tố quảng bá văn hoá, du lịch không được chú trọng để sản xuất. Thực trạng trên đến từ tư duy cho rằng những chương trình này thường phải đầu tư rất nhiều kinh phí để thực hiện các thử thách trải dài trên mọi miền đất nước, nhưng doanh thu chưa chắc đã gỡ lại được. Một nguyên nhân khác là do thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc quay hình không thể diễn ra. Nhưng hiện Việt Nam đã mở cửa trở lại du lịch, dịch qua đỉnh điểm vậy mà nhà đài, các đơn vị sản xuất cũng chưa có bất kỳ kế hoạch nào về gameshow văn hoá, du lịch. Trong khi đó, những chương trình giải trí đơn thuần, tìm kiếm tài năng vẫn liên tục ra “lò” và chất lượng chỉ bình bình, không có gì mới lạ.
Đã đến lúc, các nhà sản xuất chương trình giải trí tại Việt Nam cần học hỏi cách làm của những nhà đài, đơn vị nước ngoài. Gameshow giải trí vốn là loại hình hút người xem, nếu không tận dụng được thế mạnh này để quảng bá sẽ là rất lãng phí. Nắm bắt cơ hội, một số quốc gia đã tập trung đẩy mạnh quảng bá văn hoá, du lịch thông qua gameshow, điển hình nhất là Hàn Quốc, các chương trình giải trí của họ thường xuyên lồng ghép hoặc thậm chí làm riêng một series dài về hình ảnh quốc gia. Lợi dụng tính lan truyền nhanh và tác động mạnh của truyền hình, Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị các nhà đài phải tìm ra biện pháp hữu hiệu để đưa hình ảnh đất nước của mình đến gần hơn với người dân châu Á nói riêng và quốc tế nói chung. Vì vậy, các kênh truyền hình như SBS, KBS, MBC… dù cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi phải có màu sắc riêng nhưng đều đi chung 1 hướng là quảng bá hình ảnh đất nước. Chẳng hạn, Running Man của đài SBS đã truyền bá văn hóa Hàn Quốc thông qua việc cho dàn khách mặc quốc phục Hanbok ở nhiều số ghi hình, phần nào đã giúp Hàn Quốc khẳng định vẻ đẹp quốc phục của xứ sở Kim chi. Tương tự, văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc cũng thường xuyên xuất hiện trong Running Man. Để kích thích thêm sự tò mò của khán giả, ê kíp cũng đã đi qua nhiều địa điểm nổi tiếng ở Hàn Quốc để ghi hình, góp phần quảng bá du lịch.
Không chỉ đầu tư về kịch bản, truyền hình Hàn Quốc còn đẩy thời lượng những chương trình này lên, chiếu cùng lúc trên nhiều nền tảng trong nước và quốc tế để khán giả không thể bỏ lỡ. Thực tế, nhiều khán giả đã quyết tâm đi du lịch Hàn Quốc sau khi xem được các chương trình truyền hình của nước bạn. Thành công của Hàn Quốc trong quảng bá hình ảnh đất nước bằng gameshow đang trở thành bài học để Việt Nam có thể học tập, rút kinh nghiệm trong sản xuất các chương trình truyền hình./.