Phá rừng vẫn chưa hết “nóng”
Chỉ trong tháng 2, huyện Kông Chro (Gia Lai) đã trở thành “điểm nóng” khi liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng. Cụ thể, vào giữa tháng 2, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, UBND xã Sơ Ró và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông H’de đã phối hợp kiểm tra, phát hiện vụ phá rừng trái pháp luật tại lô 7, khoảnh 7 và lô 1, khoảnh 10, Tiểu khu 792, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông H’de (địa giới hành chính xã Sơ Ró, huyên Kông Chro).
Tại hiện trường, có khoảng 125 cây gỗ chủng loại Căm xe, Bằng lăng… bị đốn hạ, tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là hơn 30 m3. Phần lớn thân cây đã bị đưa ra đi khỏi hiện trường, chỉ còn lại bìa gỗ, cành nhánh cây và mùn cưa. Hiện trường khai thác bị xáo trộn hoàn toàn, phần lớn gỗ đã bị cưa, xẻ đưa ra khỏi rừng, khối lượng gỗ còn lại có khả năng thu giữ là hơn 4 m3. Tại thời điểm kiểm tra, chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Ngay sau khi xảy ra vụ phá rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn điều tra, xác định đối tượng khai thác rừng trái pháp luật; đồng thời xác định trách nhiệm của đơn vị chủ rừng để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái pháp luật trên lâm phần quản lý.
Trong khi chưa tìm ra đối tượng đốn hạ 125 cây gỗ thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Kông H’dé, thì trên địa bàn huyện lại tiếp tục ghi nhận thêm một vụ phá rừng. Cụ thể, trước đó vào ngày 17/ 2, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia Pa có nhận được nguồn tin báo từ quần chúng Nhân dân về vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 780 lâm phần do Công ty quản lý. Ngay sau đó, Công ty đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, Công an xã Chư Glong nhanh chóng tiếp cận hiện trường, xác minh nguồn tin báo.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 780 (địa giới hành chính xã Chơ Glong) có 7 cây rừng thuộc chủng loại Căm xe, Lim xẹt, Chò chai và Sp5 bị đốn hạ trái phép. Mở rộng hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 1 xe độ chế đang vận chuyển 21 lóng gỗ tròn, chủng loại Căm xe, Lim xẹt, Chò chai và Sp5 với khối lượng hơn 1,3 m3 và máy cưa.
Cùng thời điểm trên, tại huyện Kbang (Gia Lai) xảy ra vụ phá rừng với thân cây gỗ lớn bị cưa hạ, phần gốc còn lại đã bị đốt nhằm xóa dấu vết. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp kiểm tra, xác định: Vụ phá rừng được phát hiện tại lô 6, lô 26 khoảnh 8, Tiểu khu 114 lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai quản lý. 2 cây gỗ bị cưa hạ gồm: Cây Chò Chỉ (đường kính mặt cắt gốc 75cm, thân cây dài 20,4 cm, bị cắt thành 5 lóng, toàn bộ gỗ vẫn còn nguyên tại hiện trường); cây Xoay (đường kính mặt cắt gốc 45 cm, tại hiện trường chỉ còn lại cành, ngọn phần gốc cây đã bị đốt cháy hoàn toàn). 2 cây gỗ bị phá hoại khoảng 8m3.
Tại huyện Đức Cơ và Chư Prông (Gia Lai), mới đây, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nhóm tổ chức mua các loại cây rừng, sau đó tập kết rồi cắt thành từng đoạn dài 1-2m, đường kính 10 - 20cm rồi tìm cách đưa ra khỏi rừng để bán cho thương lái.
Chiều 21/2, tại khu vực xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, phóng viên (PV) phát hiện 1 nhóm người đang tiến hành cưa, cắt nhiều loại cây rừng rồi đưa lên xe tải. Số gỗ được chất đầy trên chiếc xe tải ước tính khoảng trên 50 tấn.
Cần xử lý kiên quyết, triệt để
Từ nguồn tin báo về vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 780 lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia Pa quản lý, trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Minh Sự, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa cho biết: “Khi thấy lực lượng chức năng, lái xe đã bỏ lại toàn bộ tang vật, phương tiện và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công ty đã tiến hành lập biên bản và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Hạt Kiểm lâm để xác minh, xử lý theo quy định pháp luật”.
Tại huyện Đức Cơ, sau khi được phóng viên thông tin vụ việc, ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ đã ghi nhận, lập tức chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm huyện để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.
Ngày 21/ 2, tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, lực lượng của huyện cùng phối hợp phát hiện, bắt giữ xe máy cày chở theo nhiều cây gỗ có nguồn gốc từ rừng. Phương tiện cùng tang vật được đoàn áp tải về trụ sở UBND xã ngay trong đêm. Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Rơ Lan Chim thông tin: Đoàn công tác của huyện đã phối hợp và kịp thời phát hiện vụ việc. Cụ thể sự việc sẽ được huyện thông tin sau.
Sau khi phát hiện vụ việc phá rừng tại huyện Kbang, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện, Chi cục kiểm lâm tỉnh và Hạt Kiểm lâm huyện và các đơn vị liên quan gấp rút vào cuộc điều tra, lập hồ sơ vụ việc, xác minh đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên trên địa bàn, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần được giao quản lý.
Liên quan đến việc liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng, huyện Kông Chro đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, xác minh, truy tìm đối tượng vụ khai thác rừng trái phép để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, mở rộng kiểm tra hiện trường khu vực lân cận. Riêng các tổ chức, cá nhân liên quan vụ phá rừng tiến hành kiểm điểm, báo cáo kết quả gửi về UBND huyện.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 600.000 ha rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng ngày càng suy giảm cả về diện tích và chất lượng do phá rừng, xâm canh... Theo số liệu thống kê, trong 5 năm (2017 - 2022), lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 2.940 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Riêng năm 2022, các địa phương đã phát hiện 290 vụ, trong đó xử lý hình sự 29 vụ.
Tình trạng phá rừng ở Gia Lai vẫn tiếp diễn phức tạp và khó ngăn chặn triệt để. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu và toàn diện, rừng ở Gia Lai sẽ bị “phủ trọc” trước sự bất lực của các lực lượng chức năng.