Xã Ia Krai (huyện Ia Grai) có hơn 40% số dân là đồng bào DTTS. Những năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc đặc biệt là tạo sinh kế để các hộ nghèo có điều kiện vươn lên, phát triển.
Hộ gia đình bà Ksor Đơnh ở làng Dọch Kuế (xã Ia Krai) nằm trong diện hộ nghèo nhiều năm nay. Năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình bà được hỗ trợ 1 con bò để phát triển kinh tế, bà Đơnh cho biết: “Cả gia đình mình với 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào 200 cây cà phê đã già cỗi. Nếu ít việc thì mẹ con lại dắt díu nhau đi làm thuê để kiếm tiền trang trải qua ngày. Năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ bò, mình quý lắm, từ con bò giống đến nay đã sinh sản thêm 2 con. Mình sẽ cố gắng nhân giống bò, chăm chỉ làm lụng để vươn lên thoát nghèo”.
Ông Lê Vũ Nhật Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krai chia sẻ: Nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đồng thời giúp người dân tự lực vươn lên, UBND xã Ia Krai đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Tính riêng trong năm 2020, xã đã trao tặng được 14 con bò cho 14 hộ nghèo. Vừa qua, xã cũng phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên trao tặng 15 con bò từ nguồn kinh phí từ “Quỹ Vì người nghèo” của huyện Ia Grai và “Quỹ cứu trợ” của tỉnh Gia Lai với mục tiêu giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, nhờ việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc mà hiện nay tỉ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ chiếm 4,7%.
Còn tại các huyện như Mang Yang, Phú Thiện, Chư Sê,… ngoài việc lồng ghép các chương trình, dự án, các địa phương đã xây dựng, triển khai Đề án phát triển KT-XH làng đặc biệt khó khăn nhằm giúp đồng bào vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, tại huyện Chư Sê, trong năm 2017 đã thành lập Đề án phát triển KT-XH và xây dựng NTM cho xã Ayun và xã Hbông. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2017-2020, tổng kinh phí đầu tư cho 2 xã là hơn 83,2 tỷ đồng. Từ việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc mà tỷ lệ hộ nghèo của xã Ayun đã giảm từ trên 75% (năm 2016) xuống còn 13,8% vào cuối năm 2020. Tương tự, xã Hbông cũng có những bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với năm 2016.
Đánh giá về công tác thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua, ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: “Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc mà đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng lên. Đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ vậy, trong 5 năm (2016-2020), tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm rõ rệt, đầu năm 2016 là 40,18% đến cuối năm 2020 giảm còn 11,14%, bình quân mỗi năm giảm 5,8%.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn như khoảng cách chênh lệch về phát triển KT-XH và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản giữa vùng dân tộc và đô thị còn khá lớn; hộ nghèo là người DTTS còn chiếm tỷ lệ khá cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; đời sống một số bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục có mặt còn hạn chế; các dịch vụ y tế còn ở mức thấp so với các vùng, miền khác trong tỉnh. Một số bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn lực đầu tư cho chính sách còn ít và dàn trải, chưa tập trung;...
Vì vậy, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai mong muốn Trung ương sớm triển khai các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; xem xét, bố trí nguồn vốn, nguồn lực đầu tư thực hiện các dự án sát với nhu cầu thực tế của địa phương. Qua đó, thúc đẩy vùng DTTS của tỉnh phát triển một cách bền vững.