Những nếp nhà gỗ thâm nâu nhuốm màu thời gian của những cư dân nơi miền biên ảiThăm thẳm một bản trường ca…
Chẳng nhớ rõ là mình đã từng nghe ở đâu, nhưng có một câu, đại ý rằng: ở đâu có người Mông, ở đó có những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu, pơ mu.
Mà quả đúng là thế thật. Những nếp nhà lợp bằng gỗ sa mu, pơ mu thâm nâu ấy, chúng tôi đã bắt gặp trên những nẻo đường biên cương xa lắc của xứ Nghệ. Từ Tây Sơn qua Na Ngoi, Huồi Tụ, Mường Lống… thuộc huyện Kỳ Sơn; đến Tri Lễ, Hạnh Dịch thuộc huyện Quế Phong; rồi từ Nhôn Mai, Mai Sơn đến Lưu Kiền, Tam Hợp thuộc huyện Tương Dương… đều thấy những mái nhà gỗ sa mu, pơ mu nhuốm màu nắng gió miền biên ải.
Theo ông Và Bá Dê ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (huyện Quế Phong), xưa kia người Mông sử dụng lá cọ để lợp mái nhà, nhưng tuổi thọ rất thấp. Sau khi biết đến gỗ cây sa mu, pơ mu là vật liệu rất tốt, nên đã sử dụng loại này. Ông Dê khẳng định: Nhà tôi lợp gỗ sa mu hơn 30 năm rồi, đến nay vẫn tốt. Mùa hè thì rất mát, còn mùa đông ấm lắm.
Phía vùng Tây Nam của tỉnh Nghệ An – nơi cộng đồng người Mông sinh sống chiếm số lượng đông đảo, thì sự hiện diện của những nếp nhà sa mu, pơ mu như dày hơn. Trong màu bàng bạc của sương, của khói… quyện lẫn những mái nhà sa mu, pơ mu thâm nâu mang đến cảm giác bình yên và cuốn hút lạ thường.
Nếp nhà, tiếng khèn là một phần hồn cốt của người MôngLịch sử hình thành tộc người, cùng với sự phát triển của vùng đất, là lịch sử của những nếp nhà sa mu, pơ mu thâm trầm với thời gian. Chả thế mà Vừ Lầu Phổng – một lão nông miền sơn cước ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) đã rất tự hào: Nhiều mái nhà ở Tây Sơn đã có hàng trăm năm tuổi, trở thành nét đặc trưng của bản làng. Nếp nhà ấy là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.
Những nếp nhà sa mu, pơ mu hiện hữu trên các bản làng miền biên viễn xứ Nghệ, đang có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm – bạc thếch, thâm nâu như chính cuộc đời tần tảo nắng mưa của những người dân xứ Nghệ; mộc mạc như đất núi, cây rừng…
Dưới mái nhà Mông nơi miền Tây xứ Nghệ đã có những con người “xả thân” vì nghĩa lớn; viết tiếp truyền thống anh hùng, bất khuất những ngày dựng bản, lập mường. Ấy là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vừ Chông Pao ở xã Na Ngoi – người đã cùng cán bộ dưới xuôi lên xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ biên giới những ngày đầu khởi nghĩa. Sau đấy, bước chân ông Pao đã in dấu khắp các bản làng Kỳ Sơn để tuyên truyền bà con phá bỏ cây anh túc, không theo phỉ… quay về bản làng làm ăn, sinh sống. Là anh hùng liệt sỹ Và Bá Giải ở xã Mường Lống – người đã hi sinh tuổi xuân xanh khi đang làm nhiệm vụ trinh sát tuần tra địa bàn Đồn Biên phòng Tam Hợp quản lý, đã bị một toán phỉ đang tìm cách xâm nhập biên giới, bắn trả và hy sinh…
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn luôn đau đáu với những nếp nhà cổ của người Mông trước nhịp sống hối hả, hiện đại - Trong ảnh: Lễ gắn biển nhà cổ cho đồng bào Mông ở Kỳ SơnVề đâu những mái nhà xưa cũ?
Một trong những nét riêng của người Mông xứ Nghệ, bắt đầu từ những nếp nhà sa mu, pơ mu thâm trầm và cổ kính. Nhưng bản sắc ấy, đang ngày một thưa vắng. Cuộc sống hiện đại, cùng với sự khắc nghiệt của thời gian… đang khiến nhiều nếp nhà Mông bị hư hỏng. Nhiều nếp nhà được dỡ xuống, rồi xếp gỗ vào một góc; người Mông cặm cụi làm việc ấy mà không ồn ào, như chôn chặt kí ức vào một miền xa xăm.
Ở Nghệ An, người Mông cư ngụ chủ yếu ở 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Trong ba huyện này, thì Kỳ Sơn chiếm số lượng đông đảo, với 25.932 người, tại 73 bản/12 xã. Đáng tiếc là, chỉ còn 23 bản/6 xã đang lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ được làm từ gỗ sa mu, pơ mu có niên đại hàng trăm năm.
Ông Vừ Chống Dì, bản Huồi Giảng 2, xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) đầy tiếc nuối khi nhiều năm sống cùng con, cháu trong ngôi nhà lợp bằng mái sa mu ấm cúng được truyền lại từ đời cha ông; nhưng nay đã không còn nữa. Ông Dì trầm ngâm: Mái nhà sa mu bị thay đổi lòng tôi cảm thấy như bị mất đi một cái gì đó thiêng liêng lắm. Nhưng ngẫm lại các con nói đúng, gỗ thì không được khai thác nữa, mà mái nhà lâu năm quá trước sau gì cũng bị hư hỏng, dột nát.
Gắn biển nhà cho ông Vừ Chồng Thông ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ SơnNhững day dứt của tiền nhân cũng là niềm đau đáu của hậu thế trong gìn giữ, bảo tồn. Nhưng bảo tồn bằng cách nào, vẫn là vấn đề đầy trăn trở. Mới đây, khi đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng đã tâm sự rằng: Huyện đang rất quan tâm, bởi đây không chỉ là bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là một hướng đi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Từ đầu năm 2024 huyện đã có văn bản gửi Sở Khoa học Công nghệ đề xuất phương án khôi phục và bảo tồn những ngôi nhà cổ của người Mông ở 23 bản thuộc 6 xã trên địa bàn.
Và hôm nay, những mái nhà cổ sa mu, pơ mu của người Mông ở huyện Kỳ Sơn đã được gắn biển, không chỉ đánh dấu chủ quyền cho từng ngôi nhà, mà còn là cách để nhấn mạnh về sự cần thiết phải bảo vệ, gìn giữ.
“Dịp này, UBND huyện đã phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu thuộc Liên hiệp quốc tổ chức gắn biển bảo tồn, gìn giữ nhà cổ cho 23 nhà dân của đồng bào Mông ở xã Tây Sơn. Sau đó, tiếp tục triển khai rộng khắp. Mục tiêu là để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn nhằm phát triển du lịch trên địa bàn”, ông Hùng nói.
Trong hành trình gìn giữ những nếp nhà sa mu, pơ mu của dân tộc mình, người Mông đang dần phục dựng lại những cánh rừng pơ mu, sa mu xanh tốt khắp vùng Na Ngoi, Huồi Tụ, Phà Đánh, Mường Lống...
Không phải là cách “trồng cây chờ ngày lấy gỗ”, mà trong tâm tưởng của người Mông, cây sa mu, pơ mu không mất đi, môi trường sống của bà con được bảo vệ, và dường như những nếp nhà xưa cũ kia vẫn hiển hiện đâu đó trên mỗi bản làng. Đó cũng là những điều đáng trân quý lắm thay.