Tôi ghé thăm Làng Du lịch văn hóa cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Khi hỏi đường về nhà già Thông - Người có uy tín Lý Đại Thông, ai cũng đều nhiệt tình chỉ lối, nhưng lại khẳng định chắc nịch: Chắc giờ này ông ấy sẽ không ở nhà.
Già Thông đã có 24 năm gắn bó làm công tác chính quyền tại địa phương, rồi trở thành Người có uy tín của cộng đồng người Dao trên mảnh đất này. Thế nên, tôi không lấy làm lạ khi nghe người dân ở Nặm Đăm nhận xét, ông ấy làm gì cũng thấy tất bật và hay mang theo sổ sách bên người!
“Giang sơn” của già Thông là một khu vườn rộng gần 2ha, nào mận, nào đào, nào bưởi, cả thảy gần 200 gốc, vươn tán đều tăm tắp, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Mải mê nhìn ngắm khu vườn mà tôi không biết già Thông đã đứng kế bên tôi tự lúc nào. Tay áo ông vẫn xắn cao, chiếc túi đeo chéo qua ngực dày cộp giấy tờ vẫn còn vắt vẻo trên vai chủ nhân.
Những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Quản Bạ đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng, phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp trong đồng bào DTTS.
Ông Viên Quang Chương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quản Bạ
Bấy giờ ông mới giải thích, năm 1992 chính quyền địa phương vận động người dân hạ sơn, an cư lập làng tại đây cũng là bởi thấy vùng đất này bằng phẳng, màu mỡ, thích hợp chuyên canh cây trồng, phát triển kinh tế. Nhưng đã từng có một thời gian dài, không chỉ có người Dao ở Nặm Đăm mà còn nhiều dân tộc khác trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang vốn chỉ quen với lối canh tác “đao canh hỏa chủng”, thắt nút dây để tính toán và dùng cúng bái để chữa bệnh nên tiếp thu cái tiến bộ, cái mới còn khó quá!
Việc lấy các mô hình canh tác tiến bộ ở những nơi xa xôi để làm ví dụ cho người dân tin, người dân hiểu, xem chừng cũng kém hiệu quả, nghĩ thế già Thông tiên phong làm thử. Ông tự ví mình như đường cày đầu tiên xới lật lên những gia tài của đất, mà gia tài ấy chỉ dành cho những ai đủ kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm thay đổi.
Ông kể: “Mới đầu chỉ làm diện tích nhỏ thôi, mở rộng được như bây giờ là chặng đường dài lắm. Quá trình ấy, mô hình cũng được các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm, hướng dẫn về kỹ thuật và tất nhiên việc chăm sóc phải chu đáo, thế nên sau một thời gian, các loại cây trồng đã cho quả, có năng suất, chất lượng. Rồi người dân tin mà làm theo, tới giờ cả thôn đã có tới vài chục ha chuyên canh cây ăn quả”.
Nhờ có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, với bản sắc văn hóa truyền thống của người dân địa phương, năm 2013, Nặm Đăm là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng. Việc gìn giữ, xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, là giải pháp trọng tâm mà ngành Du lịch địa phương hướng tới để thu hút du khách.
Già Thông giới thiệu ngắn gọn như thế rồi khảng khái: Này nhé, việc mưu sinh, lo toan là cuộc sống khởi thủy, phù hợp với cái hăm hở vốn có của con người. Thế nhưng vừa có thể đảm bảo được cuộc sống, vừa có thể gìn giữ văn hóa cha ông thì đó là điều tuyệt vời.
Thế nên, ngay từ thời điểm đó, ông Lý Đại Thông đã cất công tìm hiểu, sưu tầm những điệu múa, bài hát truyền thống và cùng người dân địa phương phục dựng, tái hiện lại Nghi lễ Cấp sắc của người Dao để trình diễn phục vụ du khách. Hiện nay, đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, du khách có thể nghỉ ngơi trong nhà trình tường của người Dao, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân và tham gia các hoạt động như: Lễ Cấp sắc, Lễ cầu mùa, hát giao duyên, hát đối, múa sạp... Thưởng thức những món ăn độc đáo mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.
Trưởng thôn Nặm Đăm, Lý Tà Đành bấy giờ mới cất lời: Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 39 hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 600 lượt khách/ngày đêm. Thu nhập trung bình hằng năm của mỗi hộ làm du lịch từ 200 - 300 triệu đồng.