Theo chân tổ viên Tổ công nghệ…về bản
Sáng ngày thứ 7, với đôi chân đã quen lối về bản vùng xa, chị Hồ Thị Ca Chiu - cán bộ Văn hóa xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị) - thành viên Tổ công nghệ cộng đồng lại lên đường vào bản. Hành trang của chị là chiếc ba lô, điện thoại thông minh, sạc dự phòng, sổ ghi chép…; Đợt này chị Chiu vào bản Tân Đi 1, đây là bản có 100% dân số là đồng bào Tà Ôi sinh sống.
Chị Hồ Thị Ca Chiu, cán bộ văn hóa xã A Vao - Thành viên Tổ công nghệ cộng đồng kiểm tra lại thiết bị hàng trang đưa công nghệ số về bảnVừa gặp chị Chiu, chị Hồ Thị Dết (dân tộc Tà Ôi) ở bản Tân Đi 1 đã khoe, cán bộ ơi, mình đã dùng được zalo theo như cán bộ hướng dẫn rồi. Nói đoạn, chị Dết mở điện thoại thông minh gọi zalo cho chồng đang đi làm ăn xa ở Bình Dương.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, chị Hồ Thị Ca Chiu cho biết: “Các thành viên trong Tổ công nghệ cộng đồng đã xuống Tân Đi 1 nhiều lần để hướng dẫn bà con sử dụng điện thoại thông minh. Có khi phải hướng dẫn cả tiếng đồng hồ bà con mới sử dụng thành thạo zalo, Facebook. Còn các phần mềm tra cứu thông tin, mình phải cài đặt cho bà con, hướng dẫn kỹ thì bà con mới dùng được. Hướng dẫn rồi, lần sau phải xuống kiểm tra cái gì bà con chưa biết thì mình hướng dẫn tiếp”.
Chỉ năm trước, bà con Tà Ôi nơi đây chỉ dùng điện thoại vào việc nghe và gọi. Còn chuyện sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu thông tin hay sử dụng dịch vụ công trực tuyến, là điều xa xỉ. Ấy vậy mà bây giờ, bà con trong bản đã biết vào zalo, gọi video, đăng bài lên Facebook bán măng rừng, biết lên mạng tìm giá phân bón… Nhiều người ở bản Tân Đi 1 còn biết tra cứu thông tin thiết yếu về y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ sinh kế.
Chị Hồ Thị Giang (bên trái), thành viên Tổ công nghệ cộng đồng xã A Vao hướng dẫn đồng bào sử dụng điện thoại thông minhTheo thống kê của UBND xã A Vao, trước thời điểm thành lập các Tổ công nghệ cộng đồng, toàn xã chỉ có 10% dân số biết sử dụng điện thoại thông minh. Nhưng giờ đây thì đã khác, nhiều người còn biết cả gửi gmail để nhờ cán bộ làm hồ sơ trực tuyến. Một số đã sử dụng thành thạo các phần mềm tra cứu, khai báo, giải quyết hồ sơ trực tuyến……
Không chỉ ở bản Tân Đi 1, toàn xã A Vao có 7 bản, thì mỗi bản có một Tổ công nghệ cộng đồng. Các thành viên các Tổ công nghệ được tập huấn bài bản, kỹ năng sử dụng điện thoại, máy tính bảng, cách tra cứu thông tin chính sách, phòng tránh lừa đảo trực tuyến...
Từ kiến thức được tập huấn, các thành viên Tổ chia nhau vào từng bản, từng nhà, kiên trì như những người thầy vỡ lòng, dạy bà con từ thao tác bấm nút cho đến cách gửi tin nhắn….rồi đến cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội, cách tra cứu thông tin và cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, bà con DTTS ở xã A Vao đã tiếp cận thông tin chính thống, tránh được các chiêu trò lừa đảo trực tuyến và chủ động hơn trong việc nắm bắt các chính sách mới.
Trên hành trình chuyển đổi số sẽ không ai ở lại phía sau
Với đặc thù là huyện vùng núi cao có đông đồng bào DTTS, mô hình Tổ công nghệ cộng đồng đã mang lại nhiều thành công trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi số tại Đakrông. Cùng với đó, thời qua, huyện Đakrông cũng đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số đồng bộ. Nhờ đó, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 - NQ/TW của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, huyện Đakrông đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Luân phiên nhau xuống tận bản, vào từng mái nhà sàn, các thành viên Tổ công nghệ cộng đồng ở huyện Đakrông trở thành "cầu nối" đưa công nghệ số về với đồng bàoTheo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông (Quảng Trị), trên địa bàn huyện hiện đã thành lập được 84 Tổ công nghệ cộng đồng, với gần 545 thành viên. Tất cả 13/13 xã, thị trấn đều bố trí cán bộ kiêm nhiệm về chuyển đổi số và an toàn thông tin tại trụ sở UBND; 100% xã, thị trấn thành lập Tổ chuyển đổi số cấp xã; 78 thôn, bản thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.
Đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số. Các thành viên Tổ công nghệ cộng đồng luân phiên xuống tận bản, đi vào tận nhà để hướng dẫn đồng bào tiếp cận thông tin chính thống, từng bước tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ở huyện vùng cao Đakrông cũng được đầu tư đồng bộ. Toàn huyện Đakrông đã có 11 điểm bưu chính xã, 1 điểm bưu chính trung tâm tại thị trấn. Hệ thống phủ sóng điện thoại, sóng internet cũng được triển khai mạnh mẽ, đến nay 100% xã, thị trấn ở Đakrông có dịch vụ internet 4G, 5G; 78/78 thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động mặt đất 4G, 5G; 76/78 thôn, bản có internet băng rộng cố định mặt đất.
Đồng bào DTTS ở huyện Đakrông (Quảng Trị) sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để đăng ký số thứ tự khám bệnhÔng Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông, cho biết, thời gian qua các Tổ công nghệ cộng đồng trên địa bàn huyện hoạt động rất hiệu quả. Bởi không ai hiểu dân bằng chính người dân, các thành viên Tổ công nghệ cộng đồng trở thành “cầu nối” để đưa công nghệ đến đúng người, đúng cách.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số cũng được đầu tư đồng bộ. Nhờ đó, người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đã nắm bắt và sử dụng được các dịch vụ công trực tuyến cơ bản. Đó là tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu thành công trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
"Chuyển đổi số đã và đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao Đakrông. Đặc biệt đối với đồng bào DTTS ở Đakrông, chuyển đối số đã mở ra cánh cửa mới để đồng bào tiếp cận thông tin chính thống, nhanh chóng và chính xác. Công nghệ số đã đến từng mái nhà sàn, từng bản vùng xa để mở ra một tương tai tươi sáng cho đồng bào các DTTS ở huyện vùng cao Đakrông", ông Liệu nhấn mạnh thông tin.