Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương chủ trì.
Hình thành, bảo tồn và phát triển các di sản nông thôn
Hội nghị đã nghe Báo cáo tóm tắt kết quả Chương trình OCOP đến tháng 6.2022; triển khai Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cần tập trung thực hiện để hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025. Triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn này đã đề ra 5 nhiệm vụ chính là: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Mục tiêu đặt ra là đến hết giai đoạn 2021-2025, cả nước không chỉ có bao nhiêu xã nông thôn mới hay xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà chúng ta còn tự hào là có bao nhiêu di sản nông thôn được hình thành, bảo tồn, phát triển và mời gọi du khách đến để giới thiệu, quảng bá về những di sản ấy. Thực tế, Chương trình du lịch nông thôn triển khai trên toàn quốc lần này là cuộc cách mạng xây dựng NTM”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở. Du lịch nông thôn, cộng đồng, nông nghiệp mang lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng, phong phú, nhiều ý nghĩa về cuộc sống địa phương. Khi đó, các cộng đồng địa phương cũng được tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, thu được các lợi ích kinh tế, xã hội và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, văn hóa địa phương.
Có thể khẳng định, với các tiềm năng và xu hướng phát triển như hiện nay, sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần thay đổi tư duy, đầu tư hơn trong xây dựng sản phẩm đặc trưng để tạo ra sự khác biệt nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, kiến tạo thiết chế xã hội nông thôn; phát triển không gian kinh tế nông nghiệp nông thôn; phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn...
Mỗi tỉnh, thành phố có một điểm du lịch nông thôn được công nhận
Hiện nay, thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trên cả nước đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái... Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả nước sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù... Cả nước cũng phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: “Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT từ năm 2018 đến nay trong việc nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn có tính tổng thể ở quy mô quốc gia. Đây là một trong sáu chương trình chuyên đề trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả, kỳ vọng tạo ra bước ngoặt, sự chuyển biến tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, đưa du lịch trở thành động lực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022 của BCH TW Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển du lịch nông thôn cần tập trung tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào. Ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong sự kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách. Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới các nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách hàng.