Đồng Chuông Tử (tên thật Nguyễn Quốc Huy) sinh năm 1980, anh làm thơ từ rất sớm (khoảng 12, 13 tuổi) và trở thành một trong những gương mặt nổi bật của văn thơ trẻ những năm đầu thập niên 90- thời kỳ Internet chưa phát triển, các trang báo đều có mục sáng tác văn - thơ, các tạp chí văn chương vẫn còn "đất sống". Tôi biết Đồng Chuông Tử từ lúc đó, đọc thơ anh từ lúc đó, nhưng duyên gặp gỡ thì phải đến hơn chục năm sau, khi anh đã lui về “ở ẩn”.
Nói “ở ẩn” là cho đúng nghĩa đen, vì vòng xoay với cơm áo, Đồng Chuông Tử phải dở dang nhiều hoài bão và lui về quê nhà (Bình Thuận), rồi sống ở quê vợ (Ninh Thuận). Từng phải chật vật mưu sinh bằng đủ thứ nghề như phụ hồ, chạy xe ôm, chăn bò, bán nước mắm, bán khô, bán mật ong, bán phở… nhưng với thi ca, Đồng Chuông Tử vẫn còn nặng nợ lắm. Và với quê hương, với đồng tộc, anh vẫn cháy, vẫn cống hiến hết mình.
Lần đầu tôi gặp Đồng Chuông Tử, là khi tôi đến Ninh Phước (Ninh Thuận) để đi thực tế viết bài về bảo tồn các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm. Trong 3 ngày, anh đã dành mọi thời gian để gặp gỡ, chia sẻ, dẫn tôi đi tham quan Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (nơi anh đang sinh sống), làng gốm Bàu Trúc, gặp rất nhiều nghệ nhân Chăm, văn nghệ sĩ Chăm.
Qua đó, tôi hiểu được tấm lòng của anh đối với văn hóa Chăm, và sự nhiệt thành của anh khi gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ - sự nhiệt thành được ấp ủ từ chính tâm hồn chất phác, xen lẫn những trúc trắc của số phận, của cuộc đời. Như những câu thơ anh cất lên nghèn nghẹn, khi Lễ hội Katê năm nay, không thể tổ chức vì Covid-19, nhưng bên cạnh đó cũng là những suy tư:
"... Em vắng bóng palei Chăm cô đơn/ Katê này em có về không?" (Trích: Katê này em có về không)
Một câu hỏi buồn không chỉ dành cho người em gái Chăm, mà dành cho tất cả người con xa xứ. Chẳng riêng vì Covid-19 năm nay ngăn trở, mà rồi những năm về sau nữa, liệu rằng “Ka-Tê về, em có về không?”.
Nói về Đồng Chuông Tử, Inrasara (nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng người Chăm) nhận xét:” Thơ Đồng Chuông Tử chênh vênh, đứt quãng khó nắm bắt, ở đó tứ thơ luôn cư trú ở đường biên được và mất, có và không, hụt hẫng và thất thố.”
Thử đọc một đoạn trong bài thơ “Nhớ Chàm” (đoạt giải Ba cuộc thi thơ 2018 của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam) có thể người yêu thơ Đồng Chuông Tử sẽ hiểu vì sao Inrasara lại nói: “Nhớ Chàm” trở về đúng chất Đồng Chuông Tử: Trăn trở và tìm tòi, tìm mãi tìm hoài không ngơi nghỉ. Tìm mà không biết tìm gì, tìm ở đâu, nhà thơ chỉ biết nó có mặt. Chính sự nhớ và tìm này làm nên hành trình thơ của nhân loại".
"Em ở đâu Chàm ơi, bàn tay vô hình trì níu giấc mơ cơm áo, chia nhỏ nỗi buồn và nỗi buồn lại tự xé cỏn con. /Em ở đâu Chàm ơi, đường về địa phận quê hương không ở miền căn cước, tiếng hát thì đã xa lạ nghìn trùng, người yêu cũng mang màu mắt khác. / Em ở đâu Chàm ơi…/ Em ở đâu Chàm ơi… /Có thể ngày mai anh chết vì nhớ Chàm không chịu nổi".
Tôi nghĩ, giá như không có “bàn tay vô hình trì níu giấc mơ cơm áo” đầy trắc trở, và các chứng bệnh hiểm nghèo không đeo bám, làm kiệt quệ cả thể xác và tinh thần trong rất nhiều ngõ ngách của cuộc sống thường nhật, thì có lẽ Đồng Chuông Tử đã thành công và thành danh hơn nữa. Ít nhất là trọn vẹn được giấc mơ học luật, hoặc làm báo, để vừa có thể bớt nặng gánh mưu sinh, vừa có điều kiện giúp đỡ đồng bào mình còn nhiều cơ cực.
Đồng Chuông Tử viết nhiều, đăng rải rác các báo, tạp chí, trên các diễn đàn văn học mạng, chứ xuất bản không nhiều, tập thơ đầu tay anh in năm 28 tuổi có tên “Thèm ăn”. Năm 2008, in “Mùi thơm của im lặng”, rồi mãi đến gần 10 năm sau mới in tập thơ “Mùa lễ khều mưa” (2017).
Gần đây khi hay tin Đồng Chuông Tử chuẩn bị tái bản tập thơ: “Mùi thơm của im lặng” tôi rất vui, và tin chắc, nhiều anh em văn nghệ yêu quý anh cũng sẽ rất vui. Đây chính là tập thơ đã ghi dấu ấn của anh trên thi đàn, khi vượt qua hàng trăm tác phẩm để vào đến chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009.
Đồng Chuông Tử cho biết, anh cũng muốn in nhiều thơ lắm, còn ấp ủ nhiều đầu sách lắm: “Chẳng gì hơn là để lưu dấu chút kỷ niệm “một thuở làm người”, nhỡ một mai tro bụi hoang phí vô ích.” - nhưng vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Anh tái bản được tập thơ này cũng nhờ sự động viên và yêu cầu của nhiều bạn bè, độc giả đã yêu quý thơ anh, hỗ trợ anh.
Tôi nghĩ anh xứng đáng nhận được những sự hỗ trợ, trân trọng và yêu quý đó - một người thơ luôn đa tình với quê hương, dân tộc mình và luôn tử tế với tha nhân.