Trên cơ sở kết quả Cuộc điều tra tình hình kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 744/QĐ-UBND, ngày 15/11/2022 về ban hành “Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025”; HĐND tỉnh Kon Tum ban hành Nghị quyết số 81/NQ-HĐND, ngày 10/12/2023 về “Phê duyệt Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy thuộc đối tượng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng 02 công trình: Nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường nội thôn làng Le; Nâng cấp, sửa chữa Nhà rông văn hóa làng Le. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho dân tộc Rơ Măm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng thôn nông thôn mới.
Chị Y Doan, làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết: Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư làm mới Nhà rông, đường giao thông. Đến thời điểm này, diện mạo làng Le khang trang hơn, cuộc sống của bà con đang trên đà phát triển.
Cùng với đó, tỉnh Kon Tum đã triển khai hỗ trợ bò sinh sản cho 63 hộ dân tộc Rơ Măm; tổ chức 1 Hội nghị giới thiệu nội dung Tiểu dự án 1, Dự án 9 và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản với 80 người tham gia; 1 Hội nghị tập huấn và triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cho 192 hộ dân tộc Rơ Măm; triển khai 2 mô hình do tổ cộng đồng dân cư đề xuất để hỗ trợ phát triển sản xuất...
Anh A Khải, làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy chia sẻ: Việc hỗ trợ bò sinh sản và tập huấn kỹ thuật chăm sóc đã giúp bà con phát triển chăn nuôi thuận lợi hơn trước đây. Đến nay, các hộ dân được hỗ trợ bò cái sinh sản đã thực hiện tốt quy trình chăm sóc, bò sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều bò cái đã sinh 1 đến 2 bê con.
Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp cấp ủy, chính quyền xã Mô Rai tổ chức 2 lớp học truyền dạy văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Rơ Măm, với 64 người tham gia (nghề đan lát và nghề làm rượu cần) do nghệ nhân tiêu biểu dân tộc Rơ Măm, tại làng Le truyền nghề. Tổ chức cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng làng Le gồm:Tượng Bác Hồ, bục phát biểu, chân micrô, bàn ghế gỗ… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện làng Le còn giữ được 03 bộ cồng chiêng tập thể và 34 bộ cồng chiêng của cá nhân, các lễ hội truyền thống được gìn giữ và phát huy.
Ông A Ren, già làng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết: Đảng, Nhà nước quan tâm và trách nhiệm của các nghệ nhân cao tuổi, người Rơ Măm đã lưu giữ và phát huy được các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, như cồng chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi… Đã lưu giữ và phát triển được các nghề truyền thống như đan lát, dệt vải thổ cẩm.
Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung đầu tư, hỗ trợ thuộc Đề án dân tộc Rơ Măm đã từng bước phát triển và nâng cao vị thế của dân tộc Rơ Măm. Hiện dân tộc Rơ Măm đã phát triển lên 192 hộ, 566 nhân khẩu. Đặc biệt, từ chỗ chỉ biết canh tác cây lúa rẫy, cây sắn thì giờ đây dân tộc Rơ Măm đã trồng được hơn 260 hecta cây công nghiệp, chủ yếu là cao su, điều, cà phê và chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.
Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con dân tộc Rơ Măm đã biết sản xuất lúa vụ mùa, lúa vụ đông xuân, biết trồng chăm sóc cây cao su, chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, thu nhập và đời sống ngày càng được nâng lên.
Với sự quan tâm đầu tư toàn diện, hiện làng Le giảm còn 7 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 30 triệu đồng/người/năm và làng Le đã đạt 6/10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông A Thái, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy chia sẻ: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của dân tộc Rơ Măm đã bước sang trang mới, với sự đầy đủ và sung túc hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng từ kết quả của Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2024, các cơ quan Trung ương tiếp tục có những chính sách đầu tư để các DTTS rất ít người nói chung và dân tộc Rơ Măm nói riêng phát triển một cách toàn diện, để mức sống bình quân của dân tộc Rơ Măm tương đương với các dân tộc khác trong vùng.