Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy.
Dù rất yêu nhau nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên nên hai người đã bị ngăn cấm và đành gạt nước mắt chia tay với lời thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch họ lại lên Khâu Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm cách. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi sáng hôm sau lại trở về với cuộc sống thường nhật. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại tìm đến với nhau. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày mở phiên chợ.
Tại chợ phong lưu, người già đến đó để tâm tình, người trẻ chưa có vợ, có chồng thì coi đó là nơi, là dịp để tìm hiểu nhau. Còn một điểm rất giàu giá trị nhân bản, như ở Khâu Vai, những người thời trẻ yêu nhau nhưng không lấy được nhau, đến chợ gặp nhau để tâm sự, hỏi thăm giờ sống ra sao, có hạnh phúc không… Nếu hạnh phúc thì chúc mừng, nếu éo le thì an ủi.
Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ phong lưu Khâu Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan.
Một số hình ảnh được PV Báo Dân tộc và Phát triển ghi nhận tại chợ phong lưu Khâu Vai năm 2024