Tận dụng nguồn dược liệu quý hiếm tại địa phương
Tây Giang (Quảng Nam) là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển cây dược liệu như sâm ba kích, đẳng sâm…Thế nhưng, trước đây người dân chủ yếu sản xuất theo tập quán cũ nên hiệu quả không cao, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn dù đã được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Nhận thấy các loại cây dược liệu ở vùng núi cao này có giá trị, mang lại tiềm năm kinh tế to lớn, năm 2017, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển các loại cây giống, anh Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX Thiên Bình đã mạnh dạn thành lập HTX chuyên trồng và chế biến các loại cây dược liệu ở địa phương. HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình với tiền thân là Tổ hợp tác Chơ chim, là mô hình HTX kiểu mới đầu tiên ở Tây Giang, chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết.
Không chỉ cung ứng giống, anh Hiển còn tỉ mỉ hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây ba kích, cây đẳng sâm từ khâu làm đất, bắc giàn cho tới tưới nước, bón phân, kiểm tra và tiếp nhận kết quả. Điều đặc biệt, với vai trò làm “bà đỡ” cho người dân phát triển sản xuất, thành viên chủ yếu của HTX là đồng bào dân tộc Cơ Tu ở vùng núi Tây Giang. Không chỉ các thành viên HTX mà ngay cả với các hộ dân liên kết trồng dược liệu cũng đều được hỗ trợ sản xuất, bảo đảm quyền lợi chính đáng. HTX cũng hỗ trợ các hộ khó khăn, các thành viên về kỹ thuật và cả vốn theo phương pháp trả dần.
Nhận thấy tiềm năng của HTX Thiên Bình hướng tới phát triển cây dược liệu địa phương nhằm nâng cao giá trị, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam phối hợp với dự án BCC đã hỗ trợ HTX một phần kinh phí. Cùng với nguồn vốn đóng góp của các thành viên, HTX Thiên Bình đã đầu tư nhân rộng các vườn ươm, xây dựng nhà làm việc, khu vực sơ chế, quầy trưng bày sản phẩm tại xã Lăng nhằm nghiên cứu về cây ba kích tím và xây dựng nên các sản phẩm từ các loại cây dược liệu này. Được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, HTX cũng đã xây dựng chuẩn hoá quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX phối hợp với chính quyền địa phương đề xuất phương án quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo cung cấp đủ số lượng cho thị trường. Cùng với đó, các lĩnh vực kinh doanh chính tạo nên hệ sinh thái khép kín bao gồm: tổ chức sản xuất – chế biến sản phẩm – phân phối hàng hoá kết hợp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc
Tăng thu nhập nhờ liên kết với HTX
HTX Thiên Bình đã hướng dẫn bà con trồng các cây dược liệu có giá trị cao như ba kích, chè dây, đảng sâm… để cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, các thành viên HTX cũng như các hộ liên kết trồng dược liệu đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ các quy trình kỹ thuật canh tác, xây dựng nhật ký vườn trồng ba kích, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững. Trước đây, theo cách trồng và chăm sóc truyền thống, người trồng sâm ba kích chờ 6 năm mới thu hoạch được củ. Nhưng nay chỉ trồng 3 năm, củ sâm ba kích đã bằng ngón tay cái. Cứ ba cây thu được 1kg củ tươi, bán được gần 600 ngàn đồng. Người dân Cơ Tu đã có nguồn thu nhập đáng kể từ nguồn cây dược liệu tại địa phương này. Nhờ tham gia và liên kết với HTX, nhiều người dân đồng bào DTTS tại địa phương đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, không ít hộ đã trở thành tỷ phú từ việc tham gia HTX trồng và chế biến dược liệu.
Không chỉ đứng ra thu mua cây dược liệu ba kích với giá hợp lý, người dân tham gia liên kết sản xuất và chế biến sản phẩm cho HTX vừa ở dạng tươi, vừa ở dạng khô, được đóng gói, dán tem có logo rõ ràng. Sản phẩm được đóng chai, gắn tem, nhãn mác lưu thông trên thị trường, đồng thời đưa sản phẩm cao ba kích tím trở thành sản phẩm OCOP của Tây Giang. Đến nay, HTX đã có 13 thành viên tham gia. Diện tích trồng từ 11 ha nay tăng lên 39ha. Các thành viên trong HTX nói riêng và bà con Cơ Tu nói chung đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ các kỹ thuật mà HTX đã tập huấn, có thu nhập ổn định và tái đầu tư vào vùng nguyên liệu mới. Doanh thu hằng năm trên 1 tỉ đồng, lợi nhuận thu về trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 42 người là đồng bào DTTS tại địa phương.
Nhằm phát triển các sản phẩm và tìm đầu ra ổn định, HTX Thiên Bình đã tiếp cận với khách hàng qua việc chuyển đổi số bằng cách ứng dụng các thành tựu của mạng xã hội, các trang thương mại điện tử. Ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX cho biết, địa phương có nguồn dược liệu dồi dào, nhưng HTX phải là “điểm tựa” để các hộ dân liên kết phát triển sản xuất, từ đó có thu nhập tốt, có cuộc sống ổn định, thay đổi tư duy xây dựng và phát triển sản phẩm cây dược liệu hàng hóa để giảm nghèo bền vững. Dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu biết tổ chức sản xuất, kinh doanh theo phương châm “hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng”, giải quyết hài hòa khâu lợi ích của cộng đồng chung, thì không chỉ HTX mà các thành viên, các hộ liên kết cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh.
Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang chia sẻ, HTX Thiên Bình có nhiều thành viên và các hộ liên kết hầu hết là người Cơ Tu. Đặc biệt, nhờ sự năng động mà thời gian qua HTX Thiên Bình đã nhanh chóng tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện nên đang trên đà phát triển mạnh. Việc chọn hướng đi sản xuất, chế biến dược liệu theo hướng chế biến sâu, phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ là hướng đi bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển, xem đây là điển hình để nhân rộng.
Những HTX kiểu mới như HTX Thiên Bình đã được hình thành với sự mở rộng đa ngành, đa lĩnh vực mang tới hiệu quả hoạt động không chỉ nâng cao vị thế của mô hình kinh tế hợp tác, mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tham gia mạnh mẽ vào tiến trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững tại xã Lăng và vùng biên giới Tây Giang này.